thumbnail

Tây Bắc Mây bay đại ngàn - Kỳ 1: Lảo Thẩn

Kỳ 1 : Lảo Thẩn (Hâu Pông San)

Vị trí : Thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Tọa độ : 22.610420°, 103.686535°
Cao độ : 2826 m.
Chênh cao : 1026 m (leo từ 1800m).
Thời gian leo : 2 ngày 1 đêm.
Quãng đường leo : 16km với 2 chiều lên xuống.
Cảnh quan : Đẹp, đỉnh nhọn và thoáng với góc nhìn 360 độ, tại cao độ 2400m với nhiều phiến đá dốc đứng hướng Tây về thung lũng Dền Sáng, núi Nhìu Cồ San rất đẹp.
Địa hình : Đồi cỏ, nương rừng cháy, rừng thưa và trên đỉnh là cây bụi nhỏ
Độ phức tạp : Lên xuống ít, gần đỉnh mới dốc, nhiều gió
Điểm cắm trại, nguồn nước : Hang đá tại cao độ 2560m, cách nguồn nước nửa giờ và cách đỉnh 1 tiếng leo bộ. Vùng núi ít suối và mạch nước

Những người bạn đồng hành
Lảo Thẩn 2015.03, những ngày này trên đó vẫn thênh thang nắng, mây và gió của trời



Trên đỉnh núi cao, nơi mặt trời dậy sớm và đi ngủ muộn nhất vùng Y Tý



Khởi Hành 

Chúng tôi chọn núi Lảo Thẩn, một cái tên còn rất mới mẻ trong hành trình đầu năm mới 2015. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà dân địa phương ở đây khi nhắc tới đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững ở vùng đất nhiều mây trời là xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngoài ra có người còn gọi là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San.



#2

Duyên với đỉnh núi này của chúng tôi bắt nguồn từ hành trình lên đỉnh “sừng trời” Nhìu Cồ San cuối năm 2014. Khi mà nhìn từ cao, đỉnh Lảo Thẩn với thế núi mạnh mẽ, hình dáng như kim tự tháp vươn mình lên trên tầng mây. Chúng tôi còn ví nó như đỉnh núi Phú Sĩ ở nước Nhật xa xôi và với một niềm khao khát chinh phục lớn lao. Không hẳn phải vì độ cao mà với thế núi cùng địa hình khu vực, tôi dự đoán đường lên đỉnh sẽ có nhiều góc nhìn đẹp, thú vị và quả đúng như vậy.



Đỉnh Lảo Thẩn nhìn từ Nhìu Cồ San

#3

Tôi bắt đầu tìm hiểu, sự khó khăn hiện rõ rệt khi mà không hề có bất cứ thông tin gì về ngọn núi này được chia sẻ. Chỉ biết rằng bản đồ địa hình của google cho thấy đường đồng mức hiện ở cao độ trên 2800m. Để tỏ hơn, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu và khảo sát từ dân bản địa quanh khu vực núi. Lặn lội dốc đất qua những bản làng người Dao tại Dền Sáng, người Hà Nhì tại bản Chung Chải, Phan Cán Sử, Phìn Hồ…Nhưng cuối cùng chúng tôi lại liên hệ với những người Mông tại thôn Ngải Chồ, xã Y Tý. Vốn không lạ gì với người Mông vốn thân thiện, thạo đi núi cùng mảnh đất Y Tý mây trời tuyệt đẹp này, nhưng những trải nghiệm trong chuyến hành trình này thật đáng nhớ với chúng tôi.



Toàn cảnh núi Lảo Thẩn hướng về thung lũng Dền Sáng



Phấn khích trên mây đại ngàn
Lảo Thẩn 2015.03







Ghi chú :
- Đường leo núi cơ bản không quá phức tạp, chỉ mất 5-6 tiếng tới điểm nghỉ, từ điểm nghỉ thêm chừng 1 giờ tới đỉnh sẽ vất hơn. Cố gắng lên đỉnh cả lúc sáng sớm và chiều tối ngắm bình minh và hoàng hôn.
- Điểm nghỉ là bãi đất trống bên cạnh hang đá của 1 vợ chồng người Mông. Hang đá chỉ ngủ được tầm 4 người. Điểm lấy nước cách hanh đá nửa giờ leo rừng, mùa này nước cực ít chính vì thế cần chủ động mang nhiều nước theo.
- Nên mua đồ và chuẩn bị các thứ từ Hà Nội hoặc Sapa, tránh việc phát sinh sau này vì đồ trên Y Tý khá đắt.
- Có thể gửi xe tại trang trại rau sạch nhưng cần thỏa thuận giá trước, tránh mâu thuẫn.
- Đường lên đỉnh toàn cây bụi, cây gai nên thoáng gió và gió rất mạnh.
- Đường leo chủ yếu đồng cỏ, nương rừng thấp nên khá nắng và nóng.
- Đường đi cơ bản đoạn lên điểm nghỉ có lối mòn nhưng nhiều lối rẽ nên cần thuê dẫn đường và porter mang phụ đồ theo. Hang đá và bếp củi thuộc sở hữu của vợ chồng người Mông, nguồn nước lại không tiện, do đó bạn không nên mạo hiểm tự đi.
- Số liên lạc của A. Hờ, anh chàng người Mông vui tính đây: 01255bảynăm117ba. Hờ hay đi với Lử, đoàn trên 5 người thiết nghĩ nên thuê 2 người cho đỡ vất nhé.

Điều quan trọng của leo núi không hẳn là chinh phục đỉnh cao của ngọn núi mà là cảm giác vượt qua chính mình; là những trải nghiệm trên hành trình, những cảnh vật trên đường đi, những tuyệt tác của thiên nhiên, sự hùng vĩ của núi rừng; là niềm vui, là tình bạn bè. Vì vậy, bạn không nên vì một chút tiết kiệm chi phí (không thuê người hướng dẫn địa phương) hay hiếu thắng, chủ quan mà đặt mình và những người đồng hành vào sự nguy hiểm. Việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bạn, của những người bạn cùng đoàn luôn là trên hết nhé mọi người.

Đặc biệt nữa, đây là khu vực mới nên rất hoang sơ và nhạy cảm với các tác động môi trường. Mọi người nên đi có y thức :
- Tôn trọng dân bản địa với điều cơ bản như xin phép và cảm ơn
- không lấy bất cứ thứ gì trên núi, không hái hoa..
- Mang gì lên thì nhớ mang xuống (tiêu hủy hoặc cho ba lô mang về)


Mình không muốn vùng đất này biến thành bãi rác cùng những cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân ( như núi Muối và Pha Luông đã có). Những chia sẻ của mình chỉ muốn thêm địa điểm lý thú cho mọi người nhưng sẽ là con dao hai lưỡi nếu chúng ta không có ý thức.

Chúc mọi người có những chuyến đi lý thú

Thân ái
thumbnail

Hà Giang hùng vĩ trong ‘Hành trình cao nguyên đá’

Nếu muốn khám phá cao nguyên Đồng Văn một cách đầy trải nghiệm, chủ động, cuốn “Hành trình cao nguyên đá” sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn.
Miền  đất Hà Giang thật khéo mê hoặc bao kẻ ưa khám phá bằng những con đường mềm mại vắt qua lưng chừng núi.
Con đường như dải lụa mềm mại, vắt qua bản làng, tạo nên sức sống kỳ diệu.

Đến với miền cao nguyên đá để thấy sự mộc mac, hoang sơ của đất trời và con người nơi đây.
Những thửa ruộng bậc thang mềm mại nép mình vào sườn núi, nối đuôi nhau chạy đến cuối chân trời, cũng là một nét đặc sắc của Hà Giang.
Cao nguyên đá Đồng Văn trải trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Với độ cao 1.000 m so với mực nước biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu năm 2010.
Kiến trúc của những ngôi nhà ở phố cổ Đồng Văn được xếp hạng di tích kiến trúc cấp quốc gia năm 2009
Nhắc đến đặc sản Hà Giang, không thể thiếu món thắng cố của người H’mong. Vị béo ngậy cộng với chút bùi bùi độc đáo, lại thêm mùi thơm từ các loại gia vị thảo dược luôn khiến du khách thấy ấn tượng.
thumbnail

Bạn Trẻ Ở Rừng Tây Bắc


Cũng khá lâu rồi, tôi không viết bài nào, phần vì công việc cũng bận, phần vì mải...đi chơi quá. Dù mỗi chuyến đi, ảnh nhiều, và tư liệu cũng nhiều! Nhưng về đến HN là...lười viết, thế mới chán. Mấy năm vừa rồi, tôi dành nhiều thời gian để đi tới các bản làng Tây Bắc xa xôi, tất nhiên vì công việc thôi, nhưng cũng phải chơi chứ! Làm xong việc là chơi bét nhè, he he, công việc thì tôi làm với người lớn, các anh chị em trong bản, còn chơi - tôi chơi với lũ trẻ nhỏ - vui hơn! Chúng vô tư, hồn nhiên, và những bé gái nữa, xinh xắn và đáng yêu vô cùng (he he, đấy là tôi viết hoa văn thế thôi, chứ thật ra, chơi với lũ nhỏ, sướng nhất là sai việc vặt gì, chúng cũng làm - cấm bao giờ phàn nàn kêu ca, ha ha)



tre em tay bac



Nhiều người khi nghĩ đến trẻ em miền núi, là hình dung ra những cô - cậu bé hiền lành, dễ thương, nhưng nghèo khổ và đầy vất vả! Tất nhiên rồi, so với lũ trẻ ở phố - thường có cuộc sống êm đềm, đầy đủ hơn về vật chất. Nhưng tin tôi đi, bọn nhỏ ở rừng, chúng....hay lắm! Tôi xin phép gọi tạm là "HAY", còn tại sao, các bạn cứ từ từ, tôi sẽ viết kĩ ở trong bài này.

Con trai tôi năm nay 7 tuổi, học lớp 2 rồi! "Ông Kễnh" ngày ngoài việc đi học, về nhà học, thúc ép cho ăn cơm, và phá phách ra. Thì "ông ấy" không/chưa phải làm việc gì khác, ngoại trừ 1 việc cỏn con là chơi với em, cơ mà chỉ dăm phút, là oánh nhau toáng nhà. Nào, chúng ta phải thú nhận thật 1 điều đi, trẻ em ở thành phố, hiếm khi phải làm việc gì khác, ngoài việc học - và cuộc sống, đôi khi hơi tẻ nhạt! Còn ở đây, giữa trùng trùng điệp điệp núi rừng, lũ trẻ ở bản vẫn đến trường, nhưng ngoài thời gian đến lớp ra, chúng chơi như thế nào, giúp bố mẹ việc gì, ít người miền xuôi biết & hiểu được. Nào, chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm 1 chút nào...

Thương yêu vô vàn! Những đứa nhỏ, dưới 2 tuổi, thường nhận được rất nhiều sự yêu thương, che chở của cha mẹ, ông bà chúng! Đây là quãng thời gian lũ nhỏ luôn được che chở, bồng bế trong vòng tay! Cha mẹ nghèo, chẳng có gì cho con ngoài tình cảm.





Những đứa nhỏ quãng từ 3 tuổi trở lên, đã bắt đầu biết tự chơi, ít khi đòi theo bố mẹ. Phân lớn các cháu sẽ đi học Mẫu Giáo, tôi biết nhiều bản làng cực kì khó khăn, xa xôi cách trở, và nghèo khó, bọn trẻ thích đến lớp mẫu giáo học, vì 1 lý do rất buồn, đến lớp - cháu được các cô nấu cơm cho ăn, ít nhiều có miếng thịt. Ở nhà nhiều khi chả được ăn no, chứ chưa nói gì đến thịt.




Học tập như thế nào, ra làm sao, là trách nghiệm & thuộc quản lý của nghành Giáo Dục. Tôi không phải chuyên gia, và cũng chả phải là nhà giáo, nên không thể đưa ra bất cứ nhận xét gì. Chỉ biết 1 điều, lũ nhỏ ở rừng ngoài thời gian đến trường/lớp ra, thì ở nhà, chúng rất ít khi học!





Phần lớn thời gian trong ngày còn lại, chúng chơi, nô đùa đủ thứ trò! Đứa bé chơi với đứa lớn, và ngược lại, tức là chơi cùng nhau hết, chứ ít khi phân theo độ tuổi. Bố mẹ chúng cũng kệ, thích chơi gì thì chơi, chơi chán rồi về. He he, đứa nào đứa nấy đen nhem nhẻm, tay chân lem luốc, nhưng lúc nào cũng cười tươi roi rói.





Mà chúng cũng tài, nghĩ ra đủ trò để chơi. Nhất là vào dịp Hè, mùa Hè ở Tây Bắc cũng là mùa của các loại hoa quả rừng, bọn trẻ lang thang dọc khắp các triền đồi, sườn núi để tìm hoa quả ăn! Cũng chả phải đói khát gì đâu, nhưng chúng thích thế! Mà cũng từ những việc này, kĩ năng & kinh nghiệm dạy cho chúng biết, loại cây/quả nào ăn được, loại nào không ăn được.





Đặc biệt là những đứa lớn, quãng học lớp 6, lớp 7 gì đó, leo trèo giỏi lắm rồi. Những cây cao, to mà chúng vẫn leo thoắt thoắt lên ngọn cây. Tôi thường bám theo chúng đi tìm hoa quả, nhưng tuyền đứng dưới, nhặt quả chúng ném xuống. he he, thông thường, ở bản cứ tầm cơm trưa xong, là tôi hô "đứa nào đi ăn quả", là cả lũ xung phong đi ngay, có đứa nào lạ mà chưa biết tôi, là xin "chú ơi, chú cho cháu đi với". he he, ok, tất cả đi hết.





Tắm, lại nói đến chuyện tắm. Con trai tôi 7 tuổi, vẫn được bố tắm cho hàng ngày, vì tôi lo ngại, nếu "ông kễnh" tự tắm, 1 là không sạch, 2 là ham nghịch nước quá mà trời lạnh sẽ bị ốm. Vì trẻ ở phố, sức đề kháng rất kém, thôi thì cứ tắm cho thêm đôi năm nữa, lớn hơn chút xíu rồi tự tắm, việc này là bản năng của con người, sớm muộn gì rồi cũng tự làm, tự biết mà thôi! Chứ không như tụi trẻ ở rừng, dầm mưa dãi nắng suốt ngày, rất ít khi ốm đau. Mưa cũng đi chơi, nắng cũng đi chơi, Hè về thì suốt ngày bì bõm ở suối, tắm chán rồi về. Bố mẹ chúng không cấm (trừ khi lũ về, suối to quá thì không cho đi, hoặc những đứa quá nhỏ là không cho đi thôi), còn lại, tầm 4 tuổi là bơi suối ngon lành rồi. Bố mẹ chẳng bao giờ có chuyện tắm cho con nữa, kệ, cứ đi tắm chán rồi về ăn cơm tối là xong.




Đấy, vừa rồi là tôi nói đến chuyện chơi, chuyện nghịch của chúng. Các bạn đừng nghĩ là tụi này chỉ có chơi không đâu nhé, trẻ ở rừng rắn rỏi, khỏe mạnh, và biết giúp bố mẹ nhiều lắm. Nhất là những gia đình có đông con, hoặc nhà neo người, bọn trẻ làm được ối việc mà lũ trẻ ở phố phải trố mắt nhìn.


Quãng tháng 11/2014, ở bản, tôi thức dậy sớm, ngồi ngắm mây trời bên hiên nhà sàn, tôi để ý có 1 cậu nhóc, nhỏ lắm, cỡ 4 tuổi gì đó! Đang hì hụi xách 2 cái chai nhựa cũ từ vỏ chai Dầu Ăn từ suối lên nhà - và không mặc quần, à, hóa ra cu cậu đi lấy nước về đổ vào xô trên nhà. Lát sau tôi sang nhà chơi, hỏi mấy đứa lớn hơn thì đáp trả "thằng này sáng nào nó cũng đi lấy nước về cho mẹ nó", nhà có 2 mẹ con, bà mẹ đơn thân còn trẻ lắm, đang giã sắn tươi cho lợn ăn. Thằng ku này được của nó đấy, thương mẹ, biết giúp mẹ bằng những việc làm đáng khâm phục như này, sau này, chắc hẳn mẹ được nhờ.




Với những nhà đông con, thì việc đứa lớn trông đứa bé, là việc chắn chắn rồi. Bố mẹ cũng mải lo miếng cơm, manh áo, đâu phải lúc nào cũng ở nhà để chăm nom! Cậu nhóc này cõng em suốt từ 7h sáng, đến 10h trưa mới cho em về ăn cơm, ngủ cũng cõng, cứ chơi hết chỗ này, rồi lại sang chỗ kia.





Và nếu nhà có chị, thì bố mẹ càng nhàn hơn nữa! Bế ẵm em, đưa em đi chơi là phần việc của chị. Mà lũ em cũng ngoan, không bao giờ có chuyện khóc tu tu đòi mẹ, cứ theo chị đi chơi thôi.





Mỗi gia đình có cách giáo dục con cái khác nhau, lựa chọn phương thức dạy dỗ sao cho phù hợp nhất, tôi hầu như không đọc các sách, hay bài viết hướng dẫn về cách nuôi dạy con. Và tôi cũng không thích copy cách giáo dục của 1 người/địa phương/ hay quốc gia khác cho con mình, nhưng năm ngoái, khi tôi lên bản để dặn dò anh chị em trên đó làm Măng Khô cho tôi, có 1 điều khiến tôi suy nghĩ, và về thống nhất với cả bố mẹ và vợ tôi về cách dạy con như này.


Cháu bé, con gái của cậu em tôi trên bản, 6 tuổi! Chiều hôm ấy khi cậu em tôi mổ cá để làm cá nướng, con bé con ngồi cạnh xem, thậm chí còn lấy muối xoa vào cá cho bố! Tôi liền nhắc "bẩn đấy", nhưng bố nó nói "cứ kệ cho nó xem & làm, sau này nó mới biết", à, ra thế! Đến tối muộn ngày hôm ấy, vì lượng Măng Tươi khá nhiều, cả nhà ai cũng phải làm, con bé con cũng hăng hái đi lấy dao gọt hoa quả, ngồi tỉ mẩn nạo măng tươi để làm măng chua, tôi để ý thấy con bé làm việc rất tập trung, và đầy nhẫn nại, suốt từ 8h tối, cho đến gần 11h mới chịu về ngủ. Mẹ nó nói với tôi "cứ kệ cho làm cho quen". Tôi quay sang nói chuyện với các Anh chị em khác về việc này, ai cũng bảo "trẻ con ở bản, nhất là con gái, chịu khó học hỏi và chăm chỉ làm từ bé". À, thảo nào, phụ nữ miền núi, thường chăm chỉ vô cùng, không bao giờ ngại khó khăn, nhẽ cũng vì cuộc sống mưu sinh, nhưng phần lớn, là do tính cách được hình thành từ khi còn bé.


Ngồi ngẫm nghĩ, tôi nhớ rằng ở nhà, nhiều khi mình đang làm việc gì, đơn giản như nhặt rau thôi! "Ông Kễnh" nhà tôi có ngồi cạnh, là bị mắng, đuổi đi chỗ khác chơi vì "sợ bẩn", vì "làm gì biết làm"....quả là sai lầm. Đến bây giờ, hơn 1 năm nay rồi, tôi cho phép con trai (và cả con gái nhỏ nữa), được phép giúp đỡ bố mẹ, ông bà những việc vặt, vừa sức chúng. Bẩn thì tí nữa rửa tay, cùng lắm là tắm 1 phát cho sạch, ngại gì. Chỉ có điều, ta cần phải biết tránh những việc nguy hiểm, ví như không cho phép cầm dao, kéo để gọt mà thôi....





Có những bản làng, sống ngay cạnh dòng suối. Tất cả mọi việc tắm giặt, đều ra suối! Việc giặt quần áo hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm, và đặc biệt, lũ trẻ thường tự ra suối, tự giặt quần áo của mình, có những đứa mặc nguyên quần áo, nhảy ùm ùm xuống tắm, giũ qua loa quần áo rồi phơi lên hòn đá! Đợi khi nào khô rồi lại mặc về nhà! Tôi không biết chúng giặt sạch đến cỡ nào, và mẹ chúng không hề bắt chúng phải làm thế! Nhưng khi mà tất cả lũ trẻ, đứa nào cũng hăng hái như đứa nào, tự làm & tự phục vụ bản thân mình, thành ra cả cộng đồng nhỏ ấy sẽ tự làm theo, vui vẻ, hăng hái...hơn cả người lớn.





Các bé gái ở bản, quãng từ 8 tuổi trở đi là đã thạo nhiều việc lắm rồi. Nhiều gia đình bố mẹ đi nương cả ngày, hoặc đi về muộn. Bọn trẻ ở nhà với nhau, tự chơi, và chăm sóc nhau. Những nhà có con gái, thường đứa chị rất chịu khó, tự nấu cơm, cho các em ăn đầy đủ! Lũ con trai thì thường lười việc bếp núc hơn, ít đứa chịu nấu cơm, mà thường là chúng "tót" sang nhà ông bà, ăn cùng với ông bà thôi.




Nguồn hoabanfood.com
thumbnail

Vẻ đẹp tiên cảnh Tà Xua - Sơn La

Nổi tiếng không chỉ với những đặc sản như : Chè, Cơm Lam, Măng, Táo Mèo... Tà Xua còn hiện lên với một khung cảnh hùng vĩ, núi non được bao bọc bởi vô vàn những làn mây trắng.

Đến với Tà Xua thuộc Tỉnh Sơn La cách Hà Nội khoảng 230km, dãy núi này có ba đỉnh chính tạo thành một xương sống khủng long kì thú. 

Nếu bạn muốn đặt chân đến đây hãy chuẩn bị những vật dụng cá nhân cần thiết vì ở đây rất chưa có nhiều dịch vụ, để đến được đây bạn sẽ trải qua không it khó khăn nhưng thành quả mở ra trước mắt sẽ làm bạn không cảm thấy mệt mỏi.

Nếu muốn trải nhiệm ở Đỉnh Tà Xua hãy chuẩn bị cho mình thời gian khám phá các bạn nhé. chúc các bạn lên đường đầy hứng khởi và thành công


Ruộng bậc thang


Những dãy núi hùng vĩ được bao bọc bởi làn mây trắng

Các bản làng dân tộc Mông đang lộ dần qua từng lớp mây trắng bao quanh

Sống Lưng Khủng Long - Đỉnh Tà Xua


thumbnail

Ký sự Tây Bắc Lúa và Mây - phần 1

Xin giới thiệu với các bạn một câu chuyện về những trải nhiệm về miền tây bắc của một blogger đến từ Sài Gòn họ đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm rình rập để rồi cuối cùng anh và đồng đội đã có những giây phút trải nhiệm rất thực tế và thú vị về tây bắc nơi có những địa danh hùng vỹ và thiêng liêng.

-----------------------------------------------------

Nhiều lần tôi nói với bạn Thắm, anh món gì cũng thử rồi chỉ có leo núi là chưa, thấy mấy bạn trẻ leo núi thấy ham quá, dù giờ cũng có tuổi, bụng to gối mỏi chân chùn nhưng cũng phải thử sức một chuyến. Lần đầu chọn Ma Thiên Lãnh, có vẻ vừa sức mình thì lại lỡ hẹn, lần sau tôi âm thầm chọn đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao 2,979m, cao thứ sáu ở Việt Nam nhưng độ dốc, độ khó thì còn hơn cả Phan Xi Păng nhiều lần, là tôi nghe các bạn trẻ nói thế, cô em tôi leo cùng cũng đã từng leo Phan cũng xác nhận là độ dốc, độ khó của Tà Chì Nhù khốc liệt hơn Phan Xi Păng nhiều.


Dù đã âm thầm tính trước việc leo núi và nhắc nhở nhau tập luyện thể lực mỗi ngày nhưng hai đứa chỉ mới lên kế hoạch trước chỉ hai tuần, vì năm nay chúng tôi kỷ niệm hai mươi năm yêu nhau nên có quá nhiều hoạt động không lượng trước đước, lần này cũng vậy, chỉ hai tuần. Chúng tôi rủ hai người bạn thân, hay nói đúng là hai người anh em của tôi, cùng tham gia, vì chúng tôi biết mức độ nguy hiểm của cuộc phiêu lưu lần này, chúng tôi cần phải là một team, những đồng đội thân thiết và hiểu nhau, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nhau.
Canh ngay thời điểm mùa vàng của thiên đường ruộng bậc thang tây bắc, chúng tôi gọi hành trình này là “săn lúa và săn mây”. Để thực hiện được chuyến đi này, chúng tôi đã tham khảo nhiều người từng chinh phục ngọn núi, về lộ trình, thông tin porter, chuẩn bị hành lý, quần áo, ba lô, dụng cụ… rất kỹ lưỡng, vậy mà cũng có rất nhiều biết cố bất ngờ, hy vọng với kinh nghiệm lần này, tôi sẽ ghi lại để các bạn đi sau có sự chuẩn bị kỹ hơn và phù hợp hơn.

Khởi hành ở SG khá sớm, gần như đêm đó, và những đêm trước chúng tôi quá háo hức nên chẳng đứa nào ngủ được, mới 4h sáng đã lục tục ra sân bay ngồi ngáp vặt chờ đợi. Máy bay đáp xuống Nội Bài thì đã có một chiếc xe với chìa khóa, trên xe có 2 cái lều dã ngoại, 4 tấm trải và 4 cái áo mưa đã chờ sẵn, chỉ việc chụp tấm hình lưu niệm và trực chỉ tây bắc.

Tôi cầm lái chiều đi vì đã hứa với lòng phải thử cung đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo của Việt Nam. Trên xe chúng tôi như cá gặp nước, nói chuyện và cười suốt cuộc hành trình nên con đường như ngắn lại nhiều lần, chỉ chút xíu đã thấy ở Thu Cúc, một thị tứ nhỏ, trước khi lên vùng núi cao tây bắc, để ăn cơm trưa. Quán Tuấn Liên, ngay trước ngã ba Thu Cúc, Phú Thọ là một quán cơm bình dân rất được, cơm canh nóng, đồ ăn vừa miệng, giá cả rất mềm và anh chủ quán cực kỳ dễ thương, cả đám ăn uống no nê chỉ hết có hai trăm ngàn.



Như đã kế hoạch từ trước, chúng tôi phải tới Tú Lệ tầm 2h-3h chiều, nếu may mắn chúng tôi sẽ bắt kịp nắng vàng chiều trong thung lũng Tú Lệ huyền thoại. Lúc bắt lầu vào những đồi chè chập chùng, vùng giáp ranh giữa Phú Thọ và Yên Bái, trời vẫn xanh trong và nắng rất đẹp, chúng tôi mừng thầm và tranh thủ chụp vài tấm ảnh ở gần Nghĩa Lộ. Nhưng rời khỏi Nghĩa Lộ thì trời đổ mưa lâm thâm, lại bắt đầu lo lắng và khẩn cầu nắng lên.

Trời chiều lòng người, vừa đến Tú Lệ thì nắng lên chan chứa, thung lũng ruộng bậc thang hiện ra vàng rực, có vài chỗ đã gặt, có vài chỗ còn xanh, nhưng màu vàng của lúa chín trong nắng chiều vẫn rực rỡ hơn hết thảy. Vẻ đẹp huy hoàng của thung lũng Tú Lệ làm chúng tôi ngất ngây mãi, cứ đi một đoạn lại dừng chụp ảnh, đi một đoạn lại phải dừng chụp ảnh. Và từ đó, theo con đèo Khau Phạ uốn lượn, chúng tôi bắt đầu vào vùng đất trong mơ của ruộng bậc thang tây bắc, Cao Phạ, Khau Phạ… chụp không biết bao nhiêu là ảnh.




Dừng chân La Pán Tẩn, nơi được coi là có ruộng bậc thang dốc và có cái mâm xôi lúa đẹp nhất vùng, chúng tôi dừng xe và thuê bốn chiếc xe máy, loại xe win100 có quấn xích vào bánh xe chống trượt, để các trai bản người Mông chở chúng tôi lên núi cao, nơi có hằng hà sa số các nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp. Đi xe máy lên núi quả thật là một trò cảm giác mạnh, con đường nhỏ xíu, trơn trượt với những sống trâu, những rãnh nước, dốc dựng đứng có lúc tưởng như xe không thể leo nổi và trượt xuống, cua gấp ngặt, một bên là vực sâu, ngồi trên xe bảo đảm bạn sẽ nín thở vì sợ.


Lang thang trên những sườn ruộng bậc thang của La Pán tẩn trong mùa gặt thật thú vị, có quá nhiều các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều đến đây ghi lại những khung cảnh đẹp lộng lẫy của mùa vàng tây bắc. Và trên đường trở lại, một lần nữa lại được chơi trò moto triền núi cảm giác mạnh không thể tả xiết. Tôi nói với các bạn: chính thức là ngán lúa rồi, về Mù Căng Chải uống rượu thôi. Vậy mà từ La Pán tẩn về Mù Căng Chải chúng tôi lại không dưới chục lần dừng xe để chụp ảnh, Ba Nhà, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình… chỗ nào cũng đẹp, chỗ nào cũng phải bàng hoàng thốt lên, trời ơi đẹp quá.

Lúc này chúng tôi phát hiện đôi giày bốt, loại giày lính, của bạn tôi do lâu không sử dụng đã bị bung đế, kiểu này mai không leo núi nổi, chúng tôi ghé chợ Mù Căng Chải mua một đôi giày, chỉ có duy nhứt loại giày Thái Bình, giá 85 ngàn một đôi. Trong cái rủi hư giày có cái may là tìm được đôi giày cực kỳ thích hợp để leo núi, chi tiết sẽ kể sau. Chúng tôi nghỉ ở nhà nghỉ Suối Mơ, một nơi rất tiện nghi và giá cả chấp nhận được. Sau đó kéo nhau ra quán làm một cái lẩu gà và một lít rượu táo mèo, ăn mừng ngày đầu tiên chinh phục ruộng bậc thang thành công mỹ mãn, cùng nâng ly hẹn nhau nhìn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù vào hôm sau.


...
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi nhắc nhau dậy sớm, từ lúc trời còn tối đen và đẫm sương đêm đã lục tục dậy chuẩn bị ba lô leo núi. Ghé đổ đầy bình xăng, ăn đại mấy tô bún chẳng biết gọi là bún gì rồi quay đầu xe lại hướng Nghĩa Lộ, trên đường đi, qua đèo Khau Phạ lại vẫn tiếp tục dừng xe mấy chục bận để chụp ảnh lúa, mấy bận chúng tôi nhắc nhau, trưa rồi, giờ đứa nào đòi dùng xe làm con gâu gâu nhé, vậy mà cứ thấy lúa cả đám lại hét lên, dừng xe và chụp ảnh.


Thực ra nỗi háo hức vì lúa lúc này dần dần đã chìm xuống, nhường chỗ cho cảm giác hồi hộp, phấn khích trước cuộc săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù sắp tới, hứa hẹn nhiều thử thách và cũng đáng đổi những trải nghiệm tuyệt vời mà đứa nào cũng nhắc nhau, cố gắng lên nhé


(hết phần 1)


Nguồn damhaphu.com

Mời các bạn đọc tiếp phần 2

http://luongtran8.blogspot.com/2015/12/tay-bac-lua-va-may-phan-2.html
thumbnail

Chuyện Tình Hoa Ban Nơi Địa Đầu Tổ Quốc


Từ Hà Nội, ngược Quốc lộ 6, bạn chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ chạy xe là đã có mặt ở Hòa Bình. Vượt qua con dốc Cun, đâu đó trên sườn núi, ven đường đã thấy xuất hiện những cây lác đác trổ hoa. Cứ vào độ Tết đến, xuân về, cả một vùng Tây Bắc rộng lớn sẽ rực rỡ sắc màu không chỉ có hoa đào, hoa mai…..Hoa ban xuất hiện như một cô sơn nữ, vừa gần, vừa xa rực rỡ mà khiêm nhường

Đêm về, bạn không nên tìm khách sạn hay một nhà nghỉ nào đó để trú chân. Hãy mạnh dạn bước vào các bản, ghé ngôi nhà sàn nào đó. Người dân tộc thiểu số nơi đây không chỉ cho bạn cơm ăn, nước uống, chỗ ngủ, họ còn cho bạn biết và hiểu thêm về cả một kho tàng văn học dân gian của họ

Câu chuyện tình như thực, như mơ, huyền ảo về hoa ban của người Thái chẳng hạn. Chuyện kể thế này: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo Mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng

Trong bước đường cùng, nàng Ban trốn gia đình chạy sang bản của Khum cầu cứu, nhưng tiếc thay, Khum lại đang cùng cha đi sang bản khác có việc. Nàng bèn lấy chiếc khăn Piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có hay biết. Cuối cùng, nàng kiệt sức, nàng gục ngã sau khi vượt qua những dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp những cánh rừng Tây Bắc. Người ta đặt tên cho loài hoa ấy là hoa ban.

Chàng Khum khi về đến nhà, bắt gặp chiếc khăn Piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, bèn vội đi tìm. Chàng đi mãi, hết nương này, qua núi khác, cuối cùng chàng cũng kiệt sức, ngã xuống. Sau cái chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu thiết tha năm nào

Trong cái lạnh đầu đông, chúng tôi có chuyến phượt lên vùng Tây Bắc, không phải là lần đầu phượt lên những cung đường, bản làng nơi đây, nhưng mỗi lần đến, thời khắc ghi lại vẫn cứ nồng nàn, mới lạ…



Những cánh trắng tinh khôi tượng trưng cho tấm lòng người con gái Thái

Trắng rừng Tây Bắc


Tạc lên nền trời xanh thẳm

Và điểm khuyết trên bạt ngàn núi biếc

Tô điểm cho những dẫy núi đá lạnh lẽo


Rồi xua đi cái lạnh tê tái, mệt mỏi của du khách trên đường

Những cánh hoa như một cô sơn nữ vừa gần, vừa xa. Rực rỡ, nhưng lại rất khiêm nhường

Như níu chân khách bộ hành, không muốn rời xa
thumbnail

Tả Mạn Về Thịt Gác Bếp - Cách Làm

Món ngon trên rừng, ầm ầm kéo về phố. Quả không sai, nước chảy chỗ trũng! Bây giờ, ở ngay giữa đô thị phồn hoa, và có tiền, mua gì chả được, muốn ăn gì chả có. Nói gì đến những đặc sản, món ăn vốn dĩ nó sinh ra đã rất đơn giản & giản dị như những con người Tây Bắc. Thôi, tôi không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, cũng chẳng phải nhà phê bình ẩm thực, tôi đi buôn và đi chơi thôi, các anh chị ạ! Tôi đi & chơi ở Tây Bắc, nơi tuổi thơ của tôi gắn bó, mà hồi mới nhớn, quãng lớp 5 lớp 6 gì ấy, tí thì iêu mấy Noọng (em) cùng lớp, người Thái trắng nhá, xinh miên man, he he! Thôi, không iêu đương gì nữa, vào chủ đề chính luôn

Thịt Gác Bếp???!!! Nghe có vẻ lạ tai & lạ mồm nhỉ, lạ quá đi chứ, theo như báo chí thì món này là xuất xứ từ Tây Bắc, của người Thái đấy! Thế mà tôi lên bản, hỏi "Thịt Gác Bếp" hầu như ai cũng không biết, bà con ở đây chỉ gọi là "THỊT KHÔ" thôi các anh chị ạ. Theo tiếng Thái Trắng thì gọi là "Nhắm Giảng", hoặc "Nhứa Giảng" theo tiếng Thái Đen! Dịch ra tiếng Phổ Thông thì là THỊT KHÔ, chứ chả ai gọi là "Gác Bếp" cả! Gớm, thế mà ở phố cứ "Thịt Gác Bếp, Thịt Gác Bếp", nghe sốt hết cả ruột, he he

Vậy nên, từ giờ trở đi, tôi sẽ gọi là THỊT KHÔ, và các anh chị cứ ngầm hiểu là "Gác Bếp" cũng được. Đây là món ngon, độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa & ẩm thực của bà con đồng bào Thái ở Tây Bắc (cả người Thái Đen & Trắng)! Đối với người H'Mong hoặc người Hà Nhì hoặc 1 số đồng bào dân tộc thiểu số khác, họ có cách chế biến & làm Thịt Khô khác người Thái! Tất nhiên trong bài viết này, tôi chỉ nói về Thịt Khô đúng phong vị & cách làm của người Thái thôi.

Video hướng dẫn chi tiết cách làm tại đây, mời các bác cùng xem.

1. NGUỒN GỐC CỦA THỊT KHÔ (Thịt gác bếp) ???
Để ăn, chắc chắn rồi! Nhưng hãy khoan đã, mỗi một món ăn dân gian, khi hình thành, nó đều lý do - nguyên nhân, và có 1 câu chuyện dài trước khi có được món ăn đấy. Nếu ai đã từng sinh sống cùng với bà con đồng bào Thái, cùng tham gia vào các hoạt động săn bắn, hái lượm thì mới hiểu hết được bắt nguồn của món Thịt Khô này! Đồng bào Thái rất giỏi săn bắn, đánh cá và hái lượm các loại thực phẩm, thú ở trên rừng - cá dưới suối - măng trong khe! Ăn tươi ngay nhiều khi không hết, hoặc nhiều chuyến đi săn kéo dài cả chục ngày, làm sao mang đồ tươi về bản được! Ấy mới phải làm khô, bảo quản rồi mang về ăn dần. Tôi đã có rất nhiều chuyến đi bắt cá sông, chui vào rừng cùng anh em dân bản, chuyến đi thường kéo dài vài ngày, cá hoặc thực phẩm khác thu hoạch được sẽ được dùng trước 1 ít, số còn lại thường được sấy khô, mang về. Hoặc đơn giản như gia đình có hạ 1 con Lợn, thậm chí to hơn là 1 con Trâu đi nữa, ngày xưa khi chưa có giao thương buôn bán như bây giờ, chỉ có thể là cho nhau, hoặc đổi lấy vật phẩm khác, ăn sao hết được, để vài ngày thịt tươi hỏng hết à? He he, lúc ấy, lại làm khô! Đấy, các anh chị thấy không, THỊT KHÔ bản thân xuất phát điểm của nó, chỉ là bất đắc dĩ, là cách bảo quản thực phẩm để ăn dần, cũng giống như người Kinh ở đồng bằng, có món cá Kho, thậm chí là Mắm Tôm để dùng lâu dài đấy thôi.
Thịt Gác Bếp - Thịt Khô Tây Bắc - 1
2. CHO TÔI XEM MÓN THỊT KHÔ CỦA TÂY BẮC ĐI NÀO!!!
Đây đây, khổ, lan man quá! Thịt khô của đồng bào Thái ở Tây Bắc làm miếng to bự, dài hoặc ngắn tùy vào sở thích làm của gia chủ. Nhưng thường là miếng to bằng cổ tay, chứ không xé nhỏ vụn như Thịt Bò Khô bán đầy trong siêu thị đâu. Mùi vị cũng đặc biệt lắm, vừa cay cay của ớt, mặn mặn của muối, và đặc biệt có 1 vị rất thơm mà ít người có thể đoán ra! Ấy là hạt Mắc Khén, tôi gọi nôm na nó là Hạt Tiêu Rừng, có thứ hạt này tẩm ướp thì mới đúng ra được phong vị Thịt Khô của Tây Bắc chúng tôi được.
Độ khô của miếng thịt tùy thuộc vào mục đích sử dụng, nếu như để lâu thì thường gia chủ sẽ làm rất khô. Còn nếu để dùng ngay trong dịp lễ Tết, Cưới xin thì thường không quá khô! Và bà con ở đây vẫn thường bảo "Bên trong còn hơi ướt ăn mới ngon", quả đúng như thế thật, nếu khô cứng từ trong ra ngoài, ăn hầu như không còn cảm nhận được vị ngon của Thịt! Bên trong bao giờ cũng phải còn hơi mềm, ướt 1 chút, như vậy ăn mới ngon! Mỗi tội làm như này, để không được lâu.
3. THỊT KHÔ LÀM NHƯ THẾ NÀO NHỈ?
He he, tôi tin ối người ăn món này mòn răng rồi, mà chưa hiểu rõ được cách làm như thế nào đâu. Phần vị họ được cho, tặng, thậm chí mua! Cơ mà người bán họ giấu tịt đằng sau bếp nhà họ làm như nào, chỉ trưng lên những ảnh đẹp đẽ, với đĩa thịt khô đầy tú hụ thì sao mà hiểu được. Để tôi nói ngắn gọn ở phần này về cách làm, còn chi tiết hướng dẫn cách làm, các anh chị xem tiếp mục 4 bên dưới nhé.
DÙNG HƠI LỬA & KHÓI SẤY KHÔ: Đây là cách làm phổ biến nhất, và có thể làm bất cứ thời điểm nào, dù nắng hay mưa. Thịt tươi được thái thành từng miếng to bản, tẩm ướp gia vị đầy đủ rồi cho lên giàn sấy, ở dưới đốt củi, hơi nóng của lửa & khói bốc lên chả mấy chốc mà thịt khô! Nói thì đơn giản thế, chứ thật ra tôi đã 3 lần thức gần như trắng đêm để canh giàn Thịt & cá sấy, mệt lắm chứ chả đùa đâu. Lửa phải điều chỉnh thật khéo, không to quá, cũng không bé quá, thế mới đảm bảo được thịt hoặc cá khô thành phẩm ngon được.
PHƠI NẮNG: Vào những quãng thời gian nắng nóng, nắng to! Bà con sau khi tẩm ướp thịt tươi xong, xỏ lạt, mang phơi nắng cỡ 3 hoặc 4 ngày là khô.
==> Thêm 1 bước nữa, dù là dùng hơi lửa, hoặc phơi nắng. Thì sau khi thịt đã seo khô, gần được rồi, bà con mới lấy xuống, cho vào chõ xôi lên, rồi mới tiếp tục mang ra phơi nắng hoặc cho lên giàn sấy tiếp cho khô. Mục đích là để cho thịt chín hẳn, khi dùng có thể xé ra ăn ngay, không cần phải qua chế biến nữa! Và xôi lên như vậy, thịt để được lâu hơn - ít bị mốc. Thường cách này bây giờ chỉ có gia đình làm sử dụng mới thực hiện được, chứ hàng thương phẩm, sản xuất hàng loạt - tôi e là rất ít người làm đúng quy trình.
4. DÙNG THỊT GÌ ĐỂ LÀM KHÔ?
Tùy, nhiều loại lắm, nhưng đa phần là gia súc hoặc động vật rừng. Chứ ít người dùng Gia Cầm để làm khô! Mỗi loại thịt khô từ 1 loại động vật khác nhau đều có đặc điểm riêng, mô tả sơ qua như này:
+ GIA SÚC NUÔI
Thịt Trâu & Bò Khô: Đây là loại thịt khô phổ biến, thịt làm ít hao! Thịt Trâu & Bò khô thường có thớ thịt chắc, không có mỡ, nhiều gân, ăn có vị ngọt & dai đặc trưng.
Thịt Lợn Khô: Thịt lợn nuôi làm thường hao hơn thịt trâu & bò, và rất lắm mỡ, ít gân! Khi sấy, mỡ rỏ tong tong xuống than hồng ấy! Thậm chí miếng thịt khô thành phẩm cũng dính nhiều mỡ lắm, mỡ từ các thớ thịt tiết ra, nhiều khi cầm ăn rất ngại. Cá nhân tôi thì lại thích ăn thịt Lợn khô hơn vì nó mềm, he he
Thịt Ngựa: Món này ít phổ biến, hầu như chả ai đi hạ ngựa để làm thịt khô cả, trước gia đình tôi thi thoảng được vài gia đình người H'Mong mang về cho ít thịt Ngựa khô, ăn cũng ngon, mỗi tội hơi có mùi hoi hoi.
+ ĐỘNG VẬT RỪNG
Những năm 1995 trở về trước, gia đình tôi kinh doanh tại chợ thị trấn Mường Tè, mỗi lần anh em & các gia đình bà con đồng bào dân tộc ở các bản làng xa về mua hàng là mang về cho nhiều thịt rừng khô lắm, đủ loại, từ Nai, Hoẵng, cho đến Lợn rừng là thường nhất! Nhưng giờ thì khó kiếm hơn rồi, phần săn bắn đã bị cấm, Nai Hoẵng giờ cũng đâu còn như xưa, may ra chỉ còn Lợn Rừng là thi thoảng có.
Thịt Nai Khô: Món này tuyệt nhất, thịt chắc, ngọt, đặc điểm dễ nhận biết là Thịt Nai khô hầu như không có gân trong các thớ thịt. Xé dọc miếng rất dễ, thớ nào ra thớ nấy, chứ không dính loằng ngoằng vào nhau. Món này, giờ kiếm được khó lắm, Pháp Luật đã cấm săn bắn rồi.
Thịt Hoẵng Khô: Ít người làm món này, bởi Hoẵng bé, lọc ra được tí thịt, làm hao lắm, thịt Hoẵng tươi rất nhiều nước, khi làm khô rất hao. Thịt Hoẵng nếu làm khô cũng rất ngon, ít gân, và ngọt lắm. Giờ cũng ít khi kiếm được
Lợn Rừng Khô: Không như Lợn nhà, lợn rừng hầu như không có mỡ, ngoài là lớp da dày, tiếp đó là các thớ thịt săn chắc! Chứ không có lớp mỡ như lợn nuôi. Nên khi làm khô, Thịt Lợn Rừng khô cũng hầu như không có mỡ dính tay, thịt khô có độ dai vừa phải, ngọt, và đặc biệt nhiều gân lẫn trong từng thớ thịt.

5. CÁCH LÀM THỊT KHÔ KIỂU TÂY BẮC

Nào nào, đọc nãy giờ toét hết cả mắt rồi, he he! Bây giờ anh chị ai muốn tìm hiểu cách làm, thậm chí có thể làm ngay tại nhà, để tôi chỉ cách nào...
+ NGUYÊN LIỆU
- Tùy ý, các anh chị có thể dùng Trâu, Bò, Lợn tùy ý, nhưng thường để làm thịt khô ngon, chỉ dùng phần thịt của 2 đùi sau, lấy thêm 2 cái thịt thăn lưng nữa thôi.
+ GIA VỊ
Đây mới là phần quan trọng, Thịt Khô của Tây Bắc thì gia vị nó cũng phải khác, bà con ở đây không dùng hạt Tiêu, mà dùng Hạt Mắc Khén và hạt Dổi, đây mới là bí quyết cho món Thịt Khô có mùi vị thơm ngon đặc trưng.
  • Đối với thịt Trâu, Bò: Dùng Muối (hoặc bột canh), Ớt bột, Mắc KhénHạt Dổi (nếu có) và Gừng tươi giã nhỏ vắt lấy nước.
  • Đối với thịt Lợn: Không dùng Gừng và Hạt Dổi, chỉ dùng Muối, Ớt Bột và Mắc Khén.
Các anh chị có thể tùy ý cho thêm chút hạt Tiêu, nhưng tuyệt đối không dùng mấy loại bột tẩm ướp (ví dụ Ngũ Vị Hương....) để tẩm ướp đâu nhé. Từng bước, ta làm như sau:
B1: Thịt Khô ngon nhất là dùng thịt bắp của 2 phần đùi sau, lấy thêm 2 cái lườn nữa thôi, nhưng giờ làm thương mại, chắc là phải lấy tất thịt thì mới đủ chứ.
Thịt Gác Bếp - Thịt Khô Tây Bắc - 2
B2: Thịt lọc ra cả tảng to, rửa sạch, để ráo nước rồi mới thái miếng, sau khi thái miếng không nên rửa lại bằng nước nữa. Thịt để làm khô nên thái dài miếng, to bằng cổ tay trở lên, không nên thái bé quá! Đến khi làm khô héo quắt, ăn mất ngon.
Thịt Gác Bếp - Thịt Khô Tây Bắc - 3
B3. Tẩm ướp gia vị đầy đủ, tỉ lệ tùy ý! Công thức thì như trên tôi đã nói, chỉ cần các anh chị chú ý điều sau:
  • Mắc Khén không nên cho quá nhiều, sẽ gây ra vị đắng, khoảng 1kg thịt tươi, ta cho 3 thìa cafe Mắc Khénđã rang xay là vừa.
  • Không nên cho quá nhiều muối, đến khi thịt khô, để 1 thời gian nhanh bị ướt lại lắm.
Thịt Gác Bếp - Thịt Khô Tây Bắc - 4
B4. Sau khi tẩm ướp gia vị, để thịt cho ngấm trong vòng 2 hoặc 3h đồng hồ rồi mới sấy.
Thịt Gác Bếp - Thịt Khô Tây Bắc - 5

B5: SẤY THỊT

Ở đây, tôi hướng dẫn làm thịt khô bằng cách sấy, chứ không phơi nắng. Vì tôi thích làm thịt sấy bằng lửa hơn, thịt được đảm bảo hơn, ít bị ruồi muỗi hơn, và thành phẩm có mùi thơm nồng của khói. Như trong hình là cách làm truyền thống của bà con đồng bào Thái, dùng Giàn đan bằng tre, bếp củi. Nhưng hiện giờ tôi thấy đa phần những hộ kinh doanh sản xuất Thịt Khô ở thành thị sử dụng lò sấy xây bằng gạch & xi măng, thịt được treo dọc vào các thanh sắt, chắc chắn là năng xuất hơn, còn ngon dở, tôi không nhận xét.
  • Dùng giàn bằng tre nứa, hoặc lưới sắt mắt cáo đóng thành vỉ to đều được. Xếp thịt đều lên giàn.
  • Treo giàn cao khoảng 60cm hoặc 70cm là vừa.
  • Củi dùng loại gỗ chắc, lớn, khô. Đốt lửa đều dưới giàn sấy! Điều chỉnh lửa sao cho không to quá, cũng không bé quá! Vừa phải thì thịt khô thành phẩm sẽ ngon & đẹp hơn.
Thịt Gác Bếp Tây Bắc - 7
B6: Sau khi thịt tươi được xếp, trải đều trên giàn. Dùng lá chuối tươi, hoặc lá dong đậy lên trên mặt. Việc này rất quan trọng vì sẽ giúp giữ nhiệt cho miếng thịt chín đều và khô đều cả mặt trên lẫn mặt dưới.
Thịt Gác Bếp Tây Bắc - 6
Bà con đồng bào Thái có 1 món ngon độc đáo ít người biết đến, đó là món cá Suối sấy khô, cách làm cũng giống như Sấy Thịt, nhưng thường được làm ngay bên bờ sông/suối.
Cá suối Sấy Khô
B6: Liên tục kiểm tra thịt, khi đã seo khô 1 mặt, phải đảo mặt trên xuống dưới. Sau đó tiếp tục lấy lá đậy lên trên.
Thịt Gác Bếp Tây Bắc - 3
B7: Thời gian trung bình để sấy khô Thịt (thậm chí Cá) là từ 9 đến 12 tiếng, tùy vào lửa và thịt miếng to hay nhỏ. Sau khi khi thịt đã đạt được độ khô mong muốn, cho Thịt khô vào chõ xôi tiếp trong vòng 1 tiếng nữa. Xôi thịt lên như vậy để bảo quản được lâu, ít bị mốc, và quan trọng là dảm bảo thịt chín kĩ 100%, sau này có thể lấy ra dùng ngay, không cần phải nấu nướng lại nữa. Cách này rất mất công, nên giờ ít người có thể kì công làm như vậy lắm:
Thịt Gác Bếp Tây Bắc - 2
Thịt Khô thành phẩm, chuẩn theo cách làm truyền thống của bà con đồng bào Thái đây. Chén thôi...
Thịt Gác Bếp Tây Bắc - 1
Như tôi đã nói, tùy vào mục đích sử dụng, hoặc khẩu vị của từng người mà điều chỉnh nhiệt & thời gian sấy để miếng thịt khô cứng cả trong lẫn ngoài! Hoặc khô vừa phải!
Cách dùng Thịt Gác Bếp 2

5. CÁCH ĂN & SỬ DỤNG THỊT KHÔ

Nếu thịt khô đã được xôi lại kĩ, thì có thể mang ra, xé và dùng được ngay. Tất nhiên như vậy có lẽ hơi nguội & cứng, các anh chị có thể làm như sau để sử dụng:
  • Dùng lò vi sóng: Đặt thịt khô vào đĩa, cho vào lò vi sóng, đặt nhiệt độ 600 hoặc 800W trong vòng 3 đến 5 phút.
  • Hấp: Cho Thịt khô vào nồi, cho chút nước thôi, đun lên cho thịt mềm, cạn nước lấy thịt ra.
  • Hấp cách thủy: Cho Thịt Khô vào bát, cho vào nồi đun cách thủy cho thịt mềm. Hoặc có thể cho vào đĩa rồi đặt vào nồi cơm điện cũng được.
  • Nướng bằng cồn: Thịt xé nhỏ, cho cồn vào nướng như nướng Mực, ăn cũng ngon, đây là cách dễ nhất.
Đấy là những cách sử dụng hiện đại của thành phố. Còn cách ăn thịt khô truyền thống của bà con đồng bào Tây Bắc là lấy mấy miếng thịt khô, dúi vào Tro nóng, vùi kín rồi để như vậy 15 phút, lấy ra, kê lên thớt, dùng chày đập thật mạnh, sao cho miếng thịt tơi đều, lúc ấy mới xé nhỏ, xếp lên mâm. He he, cách này chắc chỉ thực hiện được khi có bếp lửa, chứ thành phố, đào đâu ra tro nóng mà vùi, có phải không các anh chị?
Cách dùng Thịt Gác Bếp


nguồn : hoabanfood.com