thumbnail

Bạn Trẻ Ở Rừng Tây Bắc


Cũng khá lâu rồi, tôi không viết bài nào, phần vì công việc cũng bận, phần vì mải...đi chơi quá. Dù mỗi chuyến đi, ảnh nhiều, và tư liệu cũng nhiều! Nhưng về đến HN là...lười viết, thế mới chán. Mấy năm vừa rồi, tôi dành nhiều thời gian để đi tới các bản làng Tây Bắc xa xôi, tất nhiên vì công việc thôi, nhưng cũng phải chơi chứ! Làm xong việc là chơi bét nhè, he he, công việc thì tôi làm với người lớn, các anh chị em trong bản, còn chơi - tôi chơi với lũ trẻ nhỏ - vui hơn! Chúng vô tư, hồn nhiên, và những bé gái nữa, xinh xắn và đáng yêu vô cùng (he he, đấy là tôi viết hoa văn thế thôi, chứ thật ra, chơi với lũ nhỏ, sướng nhất là sai việc vặt gì, chúng cũng làm - cấm bao giờ phàn nàn kêu ca, ha ha)



tre em tay bac



Nhiều người khi nghĩ đến trẻ em miền núi, là hình dung ra những cô - cậu bé hiền lành, dễ thương, nhưng nghèo khổ và đầy vất vả! Tất nhiên rồi, so với lũ trẻ ở phố - thường có cuộc sống êm đềm, đầy đủ hơn về vật chất. Nhưng tin tôi đi, bọn nhỏ ở rừng, chúng....hay lắm! Tôi xin phép gọi tạm là "HAY", còn tại sao, các bạn cứ từ từ, tôi sẽ viết kĩ ở trong bài này.

Con trai tôi năm nay 7 tuổi, học lớp 2 rồi! "Ông Kễnh" ngày ngoài việc đi học, về nhà học, thúc ép cho ăn cơm, và phá phách ra. Thì "ông ấy" không/chưa phải làm việc gì khác, ngoại trừ 1 việc cỏn con là chơi với em, cơ mà chỉ dăm phút, là oánh nhau toáng nhà. Nào, chúng ta phải thú nhận thật 1 điều đi, trẻ em ở thành phố, hiếm khi phải làm việc gì khác, ngoài việc học - và cuộc sống, đôi khi hơi tẻ nhạt! Còn ở đây, giữa trùng trùng điệp điệp núi rừng, lũ trẻ ở bản vẫn đến trường, nhưng ngoài thời gian đến lớp ra, chúng chơi như thế nào, giúp bố mẹ việc gì, ít người miền xuôi biết & hiểu được. Nào, chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm 1 chút nào...

Thương yêu vô vàn! Những đứa nhỏ, dưới 2 tuổi, thường nhận được rất nhiều sự yêu thương, che chở của cha mẹ, ông bà chúng! Đây là quãng thời gian lũ nhỏ luôn được che chở, bồng bế trong vòng tay! Cha mẹ nghèo, chẳng có gì cho con ngoài tình cảm.





Những đứa nhỏ quãng từ 3 tuổi trở lên, đã bắt đầu biết tự chơi, ít khi đòi theo bố mẹ. Phân lớn các cháu sẽ đi học Mẫu Giáo, tôi biết nhiều bản làng cực kì khó khăn, xa xôi cách trở, và nghèo khó, bọn trẻ thích đến lớp mẫu giáo học, vì 1 lý do rất buồn, đến lớp - cháu được các cô nấu cơm cho ăn, ít nhiều có miếng thịt. Ở nhà nhiều khi chả được ăn no, chứ chưa nói gì đến thịt.




Học tập như thế nào, ra làm sao, là trách nghiệm & thuộc quản lý của nghành Giáo Dục. Tôi không phải chuyên gia, và cũng chả phải là nhà giáo, nên không thể đưa ra bất cứ nhận xét gì. Chỉ biết 1 điều, lũ nhỏ ở rừng ngoài thời gian đến trường/lớp ra, thì ở nhà, chúng rất ít khi học!





Phần lớn thời gian trong ngày còn lại, chúng chơi, nô đùa đủ thứ trò! Đứa bé chơi với đứa lớn, và ngược lại, tức là chơi cùng nhau hết, chứ ít khi phân theo độ tuổi. Bố mẹ chúng cũng kệ, thích chơi gì thì chơi, chơi chán rồi về. He he, đứa nào đứa nấy đen nhem nhẻm, tay chân lem luốc, nhưng lúc nào cũng cười tươi roi rói.





Mà chúng cũng tài, nghĩ ra đủ trò để chơi. Nhất là vào dịp Hè, mùa Hè ở Tây Bắc cũng là mùa của các loại hoa quả rừng, bọn trẻ lang thang dọc khắp các triền đồi, sườn núi để tìm hoa quả ăn! Cũng chả phải đói khát gì đâu, nhưng chúng thích thế! Mà cũng từ những việc này, kĩ năng & kinh nghiệm dạy cho chúng biết, loại cây/quả nào ăn được, loại nào không ăn được.





Đặc biệt là những đứa lớn, quãng học lớp 6, lớp 7 gì đó, leo trèo giỏi lắm rồi. Những cây cao, to mà chúng vẫn leo thoắt thoắt lên ngọn cây. Tôi thường bám theo chúng đi tìm hoa quả, nhưng tuyền đứng dưới, nhặt quả chúng ném xuống. he he, thông thường, ở bản cứ tầm cơm trưa xong, là tôi hô "đứa nào đi ăn quả", là cả lũ xung phong đi ngay, có đứa nào lạ mà chưa biết tôi, là xin "chú ơi, chú cho cháu đi với". he he, ok, tất cả đi hết.





Tắm, lại nói đến chuyện tắm. Con trai tôi 7 tuổi, vẫn được bố tắm cho hàng ngày, vì tôi lo ngại, nếu "ông kễnh" tự tắm, 1 là không sạch, 2 là ham nghịch nước quá mà trời lạnh sẽ bị ốm. Vì trẻ ở phố, sức đề kháng rất kém, thôi thì cứ tắm cho thêm đôi năm nữa, lớn hơn chút xíu rồi tự tắm, việc này là bản năng của con người, sớm muộn gì rồi cũng tự làm, tự biết mà thôi! Chứ không như tụi trẻ ở rừng, dầm mưa dãi nắng suốt ngày, rất ít khi ốm đau. Mưa cũng đi chơi, nắng cũng đi chơi, Hè về thì suốt ngày bì bõm ở suối, tắm chán rồi về. Bố mẹ chúng không cấm (trừ khi lũ về, suối to quá thì không cho đi, hoặc những đứa quá nhỏ là không cho đi thôi), còn lại, tầm 4 tuổi là bơi suối ngon lành rồi. Bố mẹ chẳng bao giờ có chuyện tắm cho con nữa, kệ, cứ đi tắm chán rồi về ăn cơm tối là xong.




Đấy, vừa rồi là tôi nói đến chuyện chơi, chuyện nghịch của chúng. Các bạn đừng nghĩ là tụi này chỉ có chơi không đâu nhé, trẻ ở rừng rắn rỏi, khỏe mạnh, và biết giúp bố mẹ nhiều lắm. Nhất là những gia đình có đông con, hoặc nhà neo người, bọn trẻ làm được ối việc mà lũ trẻ ở phố phải trố mắt nhìn.


Quãng tháng 11/2014, ở bản, tôi thức dậy sớm, ngồi ngắm mây trời bên hiên nhà sàn, tôi để ý có 1 cậu nhóc, nhỏ lắm, cỡ 4 tuổi gì đó! Đang hì hụi xách 2 cái chai nhựa cũ từ vỏ chai Dầu Ăn từ suối lên nhà - và không mặc quần, à, hóa ra cu cậu đi lấy nước về đổ vào xô trên nhà. Lát sau tôi sang nhà chơi, hỏi mấy đứa lớn hơn thì đáp trả "thằng này sáng nào nó cũng đi lấy nước về cho mẹ nó", nhà có 2 mẹ con, bà mẹ đơn thân còn trẻ lắm, đang giã sắn tươi cho lợn ăn. Thằng ku này được của nó đấy, thương mẹ, biết giúp mẹ bằng những việc làm đáng khâm phục như này, sau này, chắc hẳn mẹ được nhờ.




Với những nhà đông con, thì việc đứa lớn trông đứa bé, là việc chắn chắn rồi. Bố mẹ cũng mải lo miếng cơm, manh áo, đâu phải lúc nào cũng ở nhà để chăm nom! Cậu nhóc này cõng em suốt từ 7h sáng, đến 10h trưa mới cho em về ăn cơm, ngủ cũng cõng, cứ chơi hết chỗ này, rồi lại sang chỗ kia.





Và nếu nhà có chị, thì bố mẹ càng nhàn hơn nữa! Bế ẵm em, đưa em đi chơi là phần việc của chị. Mà lũ em cũng ngoan, không bao giờ có chuyện khóc tu tu đòi mẹ, cứ theo chị đi chơi thôi.





Mỗi gia đình có cách giáo dục con cái khác nhau, lựa chọn phương thức dạy dỗ sao cho phù hợp nhất, tôi hầu như không đọc các sách, hay bài viết hướng dẫn về cách nuôi dạy con. Và tôi cũng không thích copy cách giáo dục của 1 người/địa phương/ hay quốc gia khác cho con mình, nhưng năm ngoái, khi tôi lên bản để dặn dò anh chị em trên đó làm Măng Khô cho tôi, có 1 điều khiến tôi suy nghĩ, và về thống nhất với cả bố mẹ và vợ tôi về cách dạy con như này.


Cháu bé, con gái của cậu em tôi trên bản, 6 tuổi! Chiều hôm ấy khi cậu em tôi mổ cá để làm cá nướng, con bé con ngồi cạnh xem, thậm chí còn lấy muối xoa vào cá cho bố! Tôi liền nhắc "bẩn đấy", nhưng bố nó nói "cứ kệ cho nó xem & làm, sau này nó mới biết", à, ra thế! Đến tối muộn ngày hôm ấy, vì lượng Măng Tươi khá nhiều, cả nhà ai cũng phải làm, con bé con cũng hăng hái đi lấy dao gọt hoa quả, ngồi tỉ mẩn nạo măng tươi để làm măng chua, tôi để ý thấy con bé làm việc rất tập trung, và đầy nhẫn nại, suốt từ 8h tối, cho đến gần 11h mới chịu về ngủ. Mẹ nó nói với tôi "cứ kệ cho làm cho quen". Tôi quay sang nói chuyện với các Anh chị em khác về việc này, ai cũng bảo "trẻ con ở bản, nhất là con gái, chịu khó học hỏi và chăm chỉ làm từ bé". À, thảo nào, phụ nữ miền núi, thường chăm chỉ vô cùng, không bao giờ ngại khó khăn, nhẽ cũng vì cuộc sống mưu sinh, nhưng phần lớn, là do tính cách được hình thành từ khi còn bé.


Ngồi ngẫm nghĩ, tôi nhớ rằng ở nhà, nhiều khi mình đang làm việc gì, đơn giản như nhặt rau thôi! "Ông Kễnh" nhà tôi có ngồi cạnh, là bị mắng, đuổi đi chỗ khác chơi vì "sợ bẩn", vì "làm gì biết làm"....quả là sai lầm. Đến bây giờ, hơn 1 năm nay rồi, tôi cho phép con trai (và cả con gái nhỏ nữa), được phép giúp đỡ bố mẹ, ông bà những việc vặt, vừa sức chúng. Bẩn thì tí nữa rửa tay, cùng lắm là tắm 1 phát cho sạch, ngại gì. Chỉ có điều, ta cần phải biết tránh những việc nguy hiểm, ví như không cho phép cầm dao, kéo để gọt mà thôi....





Có những bản làng, sống ngay cạnh dòng suối. Tất cả mọi việc tắm giặt, đều ra suối! Việc giặt quần áo hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm, và đặc biệt, lũ trẻ thường tự ra suối, tự giặt quần áo của mình, có những đứa mặc nguyên quần áo, nhảy ùm ùm xuống tắm, giũ qua loa quần áo rồi phơi lên hòn đá! Đợi khi nào khô rồi lại mặc về nhà! Tôi không biết chúng giặt sạch đến cỡ nào, và mẹ chúng không hề bắt chúng phải làm thế! Nhưng khi mà tất cả lũ trẻ, đứa nào cũng hăng hái như đứa nào, tự làm & tự phục vụ bản thân mình, thành ra cả cộng đồng nhỏ ấy sẽ tự làm theo, vui vẻ, hăng hái...hơn cả người lớn.





Các bé gái ở bản, quãng từ 8 tuổi trở đi là đã thạo nhiều việc lắm rồi. Nhiều gia đình bố mẹ đi nương cả ngày, hoặc đi về muộn. Bọn trẻ ở nhà với nhau, tự chơi, và chăm sóc nhau. Những nhà có con gái, thường đứa chị rất chịu khó, tự nấu cơm, cho các em ăn đầy đủ! Lũ con trai thì thường lười việc bếp núc hơn, ít đứa chịu nấu cơm, mà thường là chúng "tót" sang nhà ông bà, ăn cùng với ông bà thôi.




Nguồn hoabanfood.com

No Comments