thumbnail

Tây Bắc, Lúa và Mây (kỳ cuối)

Phần Cuối: Tơi tả đường xuống núi

-----------------------------------------------------------------

Sau khi đã hoàn hồn và phục hồi sinh lực với bữa cơm dã chiến thì lúc này chúng tôi bàng hoàng phát hiện, do chuẩn bị đồ đi mưa chưa kỹ, toàn bộ lều, giày vớ, túi ngủ, quần áo khoác đã bị thấm nước, cả đám bắt đầu lục tục đem đồ ra đống lửa hong khô, đó là lý do chúng tôi chẳng thể ngủ sớm. Càng về khuya những đám mây càng kéo qua đỉnh núi nhiều, làm sương nặng hạt hơn và chúng tôi không thể chịu nổi cái lạnh của đất trời trên cao, đành khoác tạm cái áo còn ẩm, chui vào cái túi ngủ còn ẩm và cái lều lõng bỏng nước để ngủ. Mới đầu thì còn được, càng về khua thì càng lạnh, lạnh đến mức chẳng thể nào ngủ được, đành cố gắng trùm kín giữ nhiệt và run lẩy bẩy, chập chờn chờ sáng.

Buổi sáng chúng tôi dự định sẽ leo nốt quãng đường lên định để ngắm mây, chỗ chúng tôi cắm trại chỉ còn cách đỉnh một sườn núi. Nhưng khi chui ra khỏi lều thì cả bốn đứa đều không đứng vững, do cái chân bắt đầu đau nhức cộng với một đêm mất ngủ nên đứa nào cũng phờ phạc. Đang bàn nhau chuẩn bị đồ lên đỉnh núi thì bạn A Chua bảo, các anh chị lên đỉnh núi ngắm mây à, mây ở dưới này rồi, trên đỉnh không còn mây đâu. Nhìn ra phía tay bạn chỉ, khi trời dần hửng sáng, chúng tôi nhìn ra ngay dưới chân chúng tôi là một biển mây trắng bồng bềnh, trải dài đến cuối chân trời.



Cả nhóm như vỡ òa, quên mất việc cần leo lên đỉnh núi, cứ thế tràn ra chụp ảnh, đủ các kiểu ảnh, từ lúc mờ mờ sương sớm đến khi mặt trời lên chói chang, biển mây cứ như thế, mỗi lúc một dày thêm, trắng hơn và bồng bềnh trôi, chỉ lộ ra từng mỏm núi xa xa. Chúng tôi chảy lăng xăng, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn nhau về cảm xúc khi đứng trên biển mây bạt ngàn của Tà Chì Nhù mà quên cả ăn sáng, quên cả cái mặt trời lên đỏ lựng trên đầu.

















Lúc quay vào lều dọn dẹp lều trại và ăn sáng, A Chua thông báo là chúng tôi không nên lên đỉnh, vì lên đó không còn mây nữa, và sẽ phải mất thêm thời gian để trở về chân núi, lúc này cũng đã gần trưa rồi. Nhưng cái quan trọng nhất, theo A Chua, là mây thấp thì lát nữa sẽ có mưa to, mưa to làm suối chảy mạnh và có thể chúng tôi sẽ không thể vượt qua suối trên đường về, và nếu vậy, khả năng phải ngủ thêm một đêm nữa trên núi là rất cao. Nghe vậy cả đám cũng hoảng, bèn nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lều chõng.

Chúng tôi phát hiện đã hết nước sạch đem theo, giờ phải chờ nấu nước hoặc dùng nước uống qua bộ lọc. Đây là một bộ dụng cụ khá hữu ích cho các bạn leo núi hoặc đi bộ đường rừng, bạn Thắm được tư vấn nên đã sắm và thực tế nó rất hữu dụng. Bao gồm một túi nước để trong ba lô, không chiếm diện tích, túi nước có vòi dẫn ra và bạn có thể hút nước trên đường mà không cần dừng lại hay dùng chai lọ, ống hút này có thể gắn vào một bộ lọc nước mini, có thể lọc từ nước bẩn thành nước sạch, không có vi khuẩn và tạp chất để uống được ngay. Chúng tôi quyết định vẫn nấu một nồi nước nhỏ mang theo, còn hai túi nước trong ba lô thì uống qua bộ lọc (uống chung, chúng tôi hay nói đùa là: bú: “ê đứng lại cho tao bú miếng” )









Chúng tôi nhắc nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực cắm trại, gom rác lại, đồ ăn thì đổ ra cho dê hoặc thú rừng ăn, túi giấy các chất dễ cháy thì đốt sạch, còn cái nào không cháy thì gom lại đom về. Đến 9h30 sáng chúng tôi mới xong, chụp vài kiểu ảnh và bắt đầu xuống núi.


Quang cảnh đỉnh núi khác hẳn đêm mưa hôm qua chúng tôi leo lên, cảnh đẹp, mây vẫn lượn lờ chung quanh, và cơ bản là, chúng tôi không cảm thấy mệt, chỉ hơi đau chân do cứ dúi mũi giày bám vào các vách núi để trượt xuống. Chúng tôi cứ dừng chụp ảnh mãi và cười đùa với nhau suốt trên chặng đường xuống, cứ nghĩ sẽ nhẹ nhàng nhưng bắt đầu thấy có sự đau chân càng lúc càng nặng.







Cơn đau xuất phát từ đùi, đến dây chằng đầu gối và cuối cùng là lòng bàn chân và các ngón chân… đau hơn lúc leo lên nhiều. Tôi và bạn Thắm đau nhiều do giày cả hai chúng tôi đều có đế hơi dày, mũi giày hơi cứng.

Đường xuống nguy hiểm hơn đường lên gấp chục lần, do không có điểm bám và sự trơn trượt từ cơn mưa đêm qua để lại. Do chân đau, đường trơn, chúng tôi bắt đầu ngã, đầu tiên là các bạn nữ ngã, rồi các bạn nam ngã, lúc đầu chỉ trượt chân, phịch xuống nhưng rồi sau chúng tôi ngã nhiều hơn, rơi từ cao hơn, đau hơn. Có lúc bạn tôi ngã từ trên cao xuống nghe tiếng “độp” rất lớn và phải nằm lặng đến chục phút do đau. Cứ đà này chúng tôi có khả năng chấn thương, có thể là nặng hoặc mất mạng nếu rơi xuống vực sâu. Có lần tôi ngồi trước bạn Thắm, bạn trượt lăn từ trên cao xuống, tôi kịp chặn lại nếu không bạn đã bay luôn xuống sườn núi.








Trở lại đỉnh Ba Cây, chuẩn bị xuống qua ba sườn núi dốc thẳng đứng, chúng tôi phải dừng nghỉ, cởi hết giày vớ cho đôi chân nghỉ ngơi, lúc này bàn chân đau buốt đến mất cảm giác, chúng tôi thậm chí đi cũng không vững, dù chẳng đứa nào mệt, chỉ một cảm giác: đau. Lọ mọ, dìu nhau từng bước một, có chỗ phải ngồi xuống trượt và nắm bất cứ thứ gì nắm được để xuống núi, chúng tôi lại ngã, tôi ngã 4~5 lần, có bạn ngã đến chục lần. càng về sau ngã càng nặng, do phản xạ kém dần.





Chúng tôi băng qua khu rừng rậm, dự định sẽ đến dòng suối, cởi hết giày vớ, xăn quần và ngâm đôi chân trong nước lạnh chút để bớt đau rồi mới đi tiếp. Nhưng dự định không thành, vừa đến giữa lòng suối thì trời đổ mưa như thác, chúng tôi lại nai nịt áo mưa, lầm lũi bước tiếp, do sợ nước trên thượng nguồn xuống sẽ cuốn cả đám.

Lầm lũi đi, hết mưa lại hửng rồi lại mưa tiếp, hết lội nước lại trượt, lại ngã, hai cái chân đau đến mức buốt lên tận đầu. Tôi không còn dìu nỗi bạn Thắm, hai chúng tôi tụt lại phía sau. Cứ nhắc nhau, chắc chút nữa sẽ tới, sắp tới rồi, cho bớt căng thẳng. Ba ngọn núi cuối cùng thực sự là thử thách khắc nghiệt nhất mà tôi từng trải qua, gần như chỉ trượt lúc xuống, cứ đi ba bảy bước lại ngồi bệt xuống, có lúc vừa đứng lên lại loạng choạng ngồi bệt xuống, vì đau. Các ngón chân bắt đầu sưng tấy lên, móng chân long ra trông rất ớn, nhưng cái nguy hiểm hơn, là tôi không thể kiểm soát đôi chân mình được nữa.

Cuối cùng cũng đến nơi, nằm thở, tàn tạ và tan tác, đôi chân như rụng ra khỏi cơ thể, nhưng vui, vui lắm, điều mình nghĩ là không thể làm được, cuối cùng cũng sẽ được, dù có khó khăn và nguy hiểm, nhưng cũng sẽ thành công, nếu mình quyết tâm và dùng đến 500~1,000% sức của mình.



Chặng đường trở ra, chúng tôi lại tiếp tục băng qua dòng suối và cái ngầm nước, lúc này nước chảy mạnh hơn hôm vào, lại tiếp tục nắm chạt dây an toàn, cầu ông bà ông vải và vù ga cho chiếc xe lao qua dòng nước xiết. Bạn tôi nói, đây, việc chạy xe qua dòng suối, mới là thử thách căng thẳng nhất chuyến đi này.

Chúng tôi ghé Trạm Tấu, mệt mỏi lê bước (đứa nào cũng tháo giày đi chân đất), tìm quán ăn trưa lúc gần 4h chiều, cùng bắt tay ôm nhau, chúc mừng nhau lần nữa, chúng ta đã thành công, dù ông trời làm mưa suốt hai ngày, dù bao thác ghềnh, dù bao núi cao vực sâu, chúng ta cũng đã qua, và đã trở về. Thật là một trải nghiệm không thể nào quên



Ghi Chú cho các bạn đi sau:

- Thông Tin Porter: A Chua (Bản tà Xùa) cực kỳ dễ thương, khéo léo, khỏe mạnh tuy hơi nhỏ con, và nhiệt tình, số 01235095453 (số có thể thay đổi)

- Thông tin chuyến đi: Tà Chì Nhù cách Trạm Tấu 15km đường núi, quãng đường khoảng 10km, toàn dốc dựng đứng, cực kỳ thử thách

- Thông tin chuẩn bị, (cần lưu ý kỹ, nếu không chuẩn bị đúng và kỹ, nhiều khi sẽ phải trả giá rất đắt, làm hỏng chuyến đi)

o Giày leo núi, cực kỳ quan trọng, nên là loại nhẹ, đế mỏng và gai, mũi mềm, nên chuẩn bị 2 đôi (giày đá bóng thái bình hoặc giày bộ đội là ổn)

o Vớ: dùng vớ thể thao, loại dày, 2 đôi

o Ba Lô leo núi (loại bám lưng, có đủ dây ràng bụng, ngực) chống nước

o Túi nước uống (loại lớn, bỏ trong ba lô), nên mua orizone pha vào nước, bù nước và điện giải tuyệt vời, có điều kiện thì mua luôn cái dụng cụ lọc nước uống

o Thực phẩm: tốt nhất là chỉ cần thanh socola Snicker, lương khô, còn gạo, thịt, mì gói thì cứ nhờ bạn porter

o Bao tay: cực kỳ quan trọng, mua bao tay mặt trong có gai cao su, loại bảo hộ lao động. chỉ 12~15K, đôi, nên mua hai đôi vì sẽ bị rách

o Đèn pin, đèn rọi xa và cả đèn chiếu rộng, loại chống nước mưa

o Lều: bắt buộc phải chống nước, dù không mưa cũng đẫm sương, cần thì mua tấm nylon phủ lên trên lều.

o Túi ngủ: loại dày, cần bỏ riêng vô túi nylon chống nước

o Thuốc cá nhân, dầu nóng, dụng cụ sơ cứu vết thương

o Áo khoác chống gió, có mũ trùm đầu, chống nước (nên thử trước khi mua, nhiều chỗ quảng cáo chống nước nhưng cuối cùng cũng ướt)

o Một bộ quần áo khô để thay, áo dài tay

o Gậy chống, cần thì mua, không thì người dẫn đường chặt cho một cây gậy

o Lưu Ý: Tất cả đồ trong ba lô đều để riêng ra từng túi nylong, hoặc túi zip, cột chặt chống nước, một ba lô sau khi chuẩn bị thường nặng 5~6kg, lúc đầu sẽ hơi vất vả nhưng đeo một lúc thì uống vơi nước, ăn bớt đồ thì cũng… quen


Hết

No Comments