thumbnail

Ký Sự - Bản Nghèo Nơi Biên Giới - Phần 3


PHẦN 3: NGÀY TRỞ LẠI  
--------------------------------------------------------------------
MỤC LỤC |  PHẦN 1  |  PHẦN 2  |

Trở về Thủ Đô, về với vòng tay gia đình và bè bạn! Những câu chuyện, những tấm hình tôi ghi lại trong chuyến đi Clò, đã nhận được ít nhiều niềm sẻ chia của anh em bạn bè, đặc biệt là từ phía gia đình tôi, mọi người đều ủng hộ & khuyến khích tôi quay lại, tặng quà cho các cháu nơi này. Những bộ quần áo vừa cũ, vừa mới được mọi người giặt là sạch sẽ, gửi tới tôi ngày một nhiều! Thật là cảm kích khôn nguôi, công việc của tôi thời gian này khá bận, lần lữa mãi rồi đầu tháng 1/2015, tôi mới sắp xếp để lên đường, quay lại Clò với 6 bao hành lý! Tôi đi, thứ nhất là gửi gắm tình cảm và quà tặng của các anh chị em bạn bè hảo tâm! Thứ nhì, tôi còn chút việc liên quan đến hàng hóa của tôi tại vài bản làng ở Tây Bắc! 1 công đôi việc, lên đường thôi nào.


Tôi dự kiến, chuyến đi này, ít nhất phải mất từ 8 đến 10 ngày! Phần vì đường xá xa xôi, thứ nhì là không chủ động được phương tiện. Xuất phát từ HN, qua 2 lượt xe khách tôi mới đến được thị trấn Mường Tè, đến đây rồi hành trình mới thực sự là khó khăn, tìm mãi, nhờ mãi, tôi mới được mấy anh em chạy xe tải, chuyên chở hàng hóa lên vài bản ở thượng nguồn Sông Đà cho đi cùng, kèm theo là 6 bao quần áo! Trước khi đi, anh Trần Đồng, một người bạn lớn tuổi, đáng kính của tôi có gửi tặng các cháu 1 triệu đồng tiền mặt, dặn dò tôi lên đó mua thêm quà gì cho các cháu! Tôi rất ngại nhận tiền, nhưng anh đề nghị tôi cầm, coi như thay mặt anh, gửi quà tới dân bản. Tôi cảm kích vô cùng, ở chợ thị trấn, tôi dùng tiền anh tặng mua vài chục cái bát nhựa, ít mì chính, bánh & kẹo! Tổng cộng hành lý bao gồm 6 bao quần áo + 1 túi xách tặng phẩm nữa.

Đoạn đường từ thị trấn lên đến bản Hát Hin chỉ ~30km, nhưng chúng tôi đi mất hơn 4 giờ đồng hồ. Chiếc xe IFA già nua (mà tuổi đời của nó, chắc hơn mấy lần tuổi tôi ấy chứ) chạy với tốc độ Siêu-Thanh cỡ 8km/h, ì ạch và nhẫn nại bò từng mét trên cung đường cực kì nguy hiểm, 1 bên là vực sông Đà, 1 bên là vách núi! Trần đời, tôi chưa đi chiếc xe nào "thú vị" như thế này, xe chỉ có kính lái là nguyên vẹn, còn lại chả còn gì nguyên vẹn cả, gió từ lòng sông bốc lên thổi lùa quanh khoang lái, mát rượi, mỗi tội kèm theo gió là bụi! Bụi mờ mắt các anh chị ạ. Ây dà, sau hơn 4h nhẫn nại ngồi cầu Phật, đến nơi - tôi mới biết mình bình an :))


Xe ô tô chỉ đi được đến bản Hát Hin ngay bờ sông Đà, còn tiếp 10km đi sâu vào trong núi là đi bằng xe máy. 6 bao quần áo, phải cần đến 3 chiếc xe máy, tôi mượn được 1 cái rồi! May quá có 2 cậu em người Thái ở bản gần đấy đồng ý giúp tôi chở vào chân núi. Dọc đường đi, vài lần tôi có rút máy ảnh ra để chụp, vào đến bản Nậm Phìn (tức là bản cuối cùng có thể đi xe máy, hoặc bất cứ phương tiện giao thông nào khác), 1 cậu em cười cười hỏi tôi là "anh có rơi cái gì không?", tôi sờ túi áo thì tái hết cả mặt, rơi máy ảnh rồi. Cu cậu cười rồi đưa máy ảnh của tôi đánh rơi ra trả, bảo "tí nữa thì em kẹp vào máy ảnh của anh", ôi, tôi bất ngờ lắm, anh em ở đây sống tình cảm, thật thà vô cùng! Không tham, không biết lừa dối ai bao giờ! Đấy cũng là tính cách đáng quý nhất của người vùng cao. (p/s: và thêm may mắn nữa là máy ảnh chống nước-chống va đập của tôi sau cú rơi đó vẫn hoạt động ngon lành)



Từ trước khi đi, tôi đã nhờ các thầy cô ở bản Clò thông báo cho bà con dân bản, cử người vượt núi ra để nhận quà! Mọi người về từ sáng sớm, đợi tôi ở bản Nậm Phìn rồi! Mọi người nhìn thấy quần áo đẹp, xì xồ & hoan hỉ lắm, tôi không hiểu tiếng, nhưng đoán chắc chắn - bà con vui vô cùng. Duy chỉ có 1 điều tôi hơi bực mình, là chỉ có 5 người phụ nữ La Hủ, trong đó có 1 cháu nhỏ 12 tuổi về nhận quà, trong đoàn duy nhất chỉ có 1 người là vợ của trưởng bản Clò biết chút tiếng Phổ Thông, tôi gọi lại hỏi "Sao không bảo đàn ông về lấy", chị ta ngần ngừ rồi nói lơ lớ rằng "bọn con trai lười lắm, không về đâu". Trời ạ, đàn bà con gái như thế này, sao mang gùi 6 tiếng đi bộ về bản được cơ chứ. Thôi, dù sao cũng khá muộn rồi, tôi để cho mọi người sắp xếp lại các bao quần áo, rồi cho vào gùi, tí nữa băng rừng về bản luôn, không có muộn!


Từ đây, còn 6 tiếng đi bộ vượt rừng nữa, lúc này quãng 2h30 chiều, sắp xếp xong đồ đạc, chúng tôi bắt đầu lên đường. Dừng chân ở khe nước ở ngay bìa rừng, mỗi người lấy 1 chai nước để dành cho hành trình trước mặt. Nước lã thôi, chứ làm gì có nước đun, tôi uống quen nước lã rồi, chả đau bụng gì sất.


Đoàn chúng tôi gồm cả tôi là 6 người, lần này tôi phải tự mang hành lý của mình, trời nắng khá gắt! Vẫn là cung đường cũ của chuyến trước, nhưng lần này, tôi quen hơn, nên đi thấy cũng không còn mệt nhiều như lần đầu nữa. Còn mấy chị em dân bản, mỗi người 1 gùi, chân đất cặm cụi leo từng bước một.


Mệt, các anh chị ạ, rất rất mệt. Đến mọi người là thổ dân nơi này, cũng chỉ leo được khoảng 15 phút là phải ngồi nghỉ! Thêm điều này, các anh chị nhớ nhé, đi leo núi, nước mang theo uống vừa phải, từng ngụm nhỏ cho khỏi khô cổ thôi, chứ uống nhiều, mệt lắm, không đi được đâu!


Do cả đoàn chỉ có 1 người biết chút tiếng phổ thông, cho nên tôi cứ cặm cụi khi thì đi trước, lúc thì đi sau, và thở. Chứ ít nói chuyện với nhau được câu nào, may chăng chỉ ra hiệu là dễ nhất. Hết chui vào những đoạn đường rậm, lại băng qua những mép vực sâu hút, mà nếu chẳng may ngã xuống, chỉ có bỏ mạng.


Đi liên tục được 3 tiếng đồng hồ thì trời đã nhá nhem tối. Thật may mắn là mấy chị em ai cũng mang theo đèn pin, chỉ có 1 người thiếu! Không sao, tôi cầm theo 2 chiếc, đưa cho chị kia 1 cái, còn tôi 1 cái đeo đầu. Bật lên, tiếp tục thở & cặm cụi băng rừng.


Đi rừng đêm đã khó, đằng này còn phải mang vác nặng! Có những chỗ rất khó đi, cả đoàn phải dừng đợi nhau, soi cho nhau leo lên những vách đá! Cô bé 12 tuổi này là thành viên nhỏ nhất đoàn, nhưng cũng phải gùi số quà mà tôi mua bao gồm bánh kẹo, mì chính và bát nhựa.


Khoảng 7h30 phút, chúng tôi về đến bản! Mệt rũ người, mấy chị em hồi sáng vừa băng rừng ra để đón tôi, giờ lại vượt tiếp quãng đường ấy về bản! Còn tôi, 2 ngày vừa ngồi xe ô tô, vừa đi bộ, người cũng lả ra mất rồi, vừa đói, vừa mệt. Vừa đến đầu bản, mọi người đã ra đón, lũ trẻ mong ngóng mẹ về, thấy tôi, chúng nhận ra người quen nên cũng không còn sợ như chuyến đầu nữa. Nhiệt độ chênh lệch rất lớn giữa ban ngày & ban đêm, lúc này trời đã khá lạnh, ấy thế mà vẫn có những đứa nhóc cởi trần, hoặc cởi truồng như thế này! Yên tâm, sáng mai, sẽ có quần áo ấm để mặc.


Tôi lại vào nhà quen của của chuyến trước để xin ngủ, và bảo mọi người để mấy bao quà ở đây luôn, sáng mai mới đem chia! Ngồi nghỉ 1 lúc, tôi đói đến cồn cào, gia chủ hôm nay không nấu cơm, ăn cơm nguội từ trưa nên nhà chả còn gì ăn. Tôi đi cũng vội, không kịp mua đồ ăn gì cả, chỉ có 1 cái Bép Khảu đựng cơm nếp nương Điện Biên mà tôi cầm đi từ Điện Biên để ăn dọc đường, giờ đã khô cứng! Thôi, nắm thành nắm rồi đem nướng lên, chấm với muối ăn cho căng bụng đã, nước cũng chưa kịp đun, dành phải uống nước lã từ chiếc can nhựa cáu bẩn! Kệ, ăn tất - uống tất! Đói & khát mới chết, chứ ngần ngại gì. Tí nữa đun nước sau.


Chén no cơm nếp nướng, làm thêm ly Cafe Quang ngon tuyệt mà anh bạn tôi tặng trước khi đi, mệt nên tôi chỉ ngồi bên bếp lửa 1 chút, hôm nay ở bản có mấy thầy cô ở điểm trường Pa Ủ 2 lên đón các cháu học sinh về học, ngồi nói chuyện với các thầy về kế hoạch tặng quà cho ngày mai rồi tôi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau thằng bé con chủ nhà gọi dậy, mẹ nó đã nấu xong bữa sáng, bảo tôi ngồi ăn luôn, bữa cơm sáng chỉ có cơm trắng, và bát rau dại vặt quanh nhà! Cố lắm, tôi cũng chỉ nuốt được nửa bát....


Ngoài nhà đã bắt đầu có tiếng í ới gọi nhau, hóa ra là các thầy cô phải đi gọi các cháu xuống tập trung để học, bà con đồng bào La Hủ vừa ăn Tết Dân Tộc của họ xong hôm qua, hôm nay phải đi gọi các cháu xuống lớp học bài, chứ không gọi, lũ trẻ này mải chơi - không chịu đến lớp.

Bản Clò 2 hiện giờ có 2 thầy giáo dạy tiểu học, 2 cô giáo mầm non, thầy cô cắm bản, ở bản quanh năm suốt tháng. Tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi sự hi sinh, cống hiến của các thầy cô nơi này! Đồng bào La Hủ ở đây nghèo cả về vật chất, lẫn dân trí, lũ trẻ ít nhận được sự quan tâm chăm sóc của gia đình! Các thầy cô, vừa là người dạy văn hóa, vừa trong vai bố-mẹ chăm lo cho lũ nhỏ từ cách dạy ăn mặc, giữ ấm....


Theo hoabanfood.com
Tạm Kết

No Comments