thumbnail

Ký Sự - Bản Nghèo Nơi Biên Giới - Phần 2

 - PHẦN 2 -

Sáng hôm sau, trải qua 1 đêm mất ngủ, khốn khổ thật. Đêm hôm trước tôi có pha 2 gói cafe mà tôi mang đi từ HN, lâu lâu không uống, làm 1 ly là mất ngủ trọn đến 4h sáng mới chợp mắt được 1 chút. Mới hơn 6h sáng đã nghe tiếng lợn, gà kêu ỏm tỏi ngoài sân rồi. Dậy thôi, ra suối rửa mặt mũi cho tỉnh táo cái nào! Bản Clò 2 nằm ngay cạnh dòng suối Nậm Hản, lên đến đây là gần đến đầu nguồn rồi, nước trong & lạnh lắm.



Bản Clò 2 chỉ hơn chục nóc nhà, có những hộ gia đình khó khăn đặc biệt, tường làm bằng liếp, mái lợp bằng cỏ gianh. Nhưng ấy chăng lại rất hợp với phong cảnh núi rừng nơi đây. Nhưng ai đã từng ở trong những ngôi "nhà" nhà này vào mùa đông sẽ hiểu được gió rít, gió lùa lạnh đến cỡ nào.



Tất nhiên cũng có những hộ gia đình khá giả hơn, nhà được lợp bằng tôn đỏ do nhà nước & chính phủ tài trợ, nom tươm tất hơn. Ấy là bên ngoài thôi, còn vào bên trong, nhà nào cũng giống nhà nào cả, hầu như chả có gì giá trị.



Châm xong điếu thuốc, tôi gọi mấy thanh niên hôm qua ngồi nói chuyện với tôi, hỏi thăm nhà mấy đứa nhỏ hôm qua là nhà nào, để tôi ghé thăm. Mấy đứa chỉ cho tôi 1 căn nhà nhỏ, bé, xiêu vẹo và lụp xụp. Rảo bước đến, vừa bước vào cửa, mấy đứa nhỏ đã dậy rồi. Gia súc vào cả trong nhà như thế này sao?



Nhà có 4 chị em, hóa ra còn 1 đứa hôm qua ở nhà nên tôi không biết. Bố mẹ chúng đi làm nương, mà đi hàng tuần trời mới về! Ở nhà mấy chị em tự chăm nhau, từ cơm nước, tắm giặt được 2 đứa chị lo cho 2 đứa bé. Khi tôi đến, cô bé lớn nhất đang giã gạo để nấu cơm trưa. Chúng sợ khi nhìn thấy tôi, không biết bộ dạng tôi nom như thế nào mà chúng lại khiếp thế. :) Đùa vậy thôi, nơi đây hầu như cả năm không có người lạ, lũ trẻ sinh ra và lớn lên thấy người lạ là sợ lắm.





Thằng bé con sợ, ôm lấy chị và khóc ầm ĩ, tôi hỏi gì chúng cũng chỉ lắc đầu và quay mặt đi, khổ, có biết tiếng Kinh đâu mà trả lời. Khóc vì sợ, hay khóc vì đói? Chắc là cả 2, tay thằng bé vẫn cầm khư khư chiếc bát nhựa, chờ cơm chị nấu. Này bé con, cuộc đời không bất công với ai cả, đói 1 tí, rồi lát nữa ăn cho ngon nhỉ? Các con ở đây, được hưởng không khí trong lành, không phải lo bon chen với cuộc sống từ bé như lũ trẻ thành thị? Vậy ai sướng hơn ai??



Trong nhà không có 1 thứ gì giá trị, ngoài chiếc nồi nhôm mà cô bé lớn đang nấu cơm cho lũ em. Bữa trưa nay của chúng chỉ có cơm không mà thôi, không có rau - không thịt - không gì cả. Bây giờ mới sau mùa gặt, gạo nhà nào cũng có, nên ăn no cơm. Chứ thời gian nữa, hết gạo, chắc chắn lại phải ăn sắn thay cơm. Tôi hỏi chuyện mấy thanh niên thì các cậu trả lời, thời gian tới là hết gạo, phải ăn sắn. Đến gần Tết thì chính phủ cho gạo cứu đói, mỗi nhân khẩu được 30kg, mà các cậu ấy còn khen là "Gạo chính phủ ăn ngon lắm", phải rồi, gạo miền xuôi - kể cả loại gạo kém chất lượng nhất, ăn vẫn dễ nuốt hơn gạo Tẻ Đỏ do bà con nơi này trồng, nó cứng, khô và hôi lắm.



Ăn cơm với muối trắng, quả thực không dễ chịu chút nào. Huống hồ đằng này, thứ gạo Tẻ Đỏ này cứng như đá, cứng đến độ nhai rồi nuốt còn cảm giác rát cuống họng. Tôi hỏi bà con ở đây là sao không trồng gạo của người Thái (vốn dĩ rất ngon), bà con bảo "gạo đỏ này ở nương thì con chim không ăn được thóc, gạo người Thái là chim ăn hết ngay". À, thảo nào, hóa ra thóc loại này rất cứng, lại nhiều lông, chim & chuột ở nương rẫy hầu như không thể ăn nổi, không sợ bị mất mùa như trồng lúa khác.



Lúc này, lũ trẻ trong bản thấy tôi là người lạ, chúng chỉ dám đứng từ xa, và nhìn với ánh mắt lạ lẫm. Quần áo như này, mùa Đông sắp đến rồi, có chịu nổi không????!!!



Và cả những đứa mới chỉ 4, 5 tuổi đã biết ra suối lấy nước về giúp bố mẹ. Ngoan và khỏe vô cùng.



Tôi chẳng có gì để làm quà cho chúng cả, trước khi đi tôi đã quá sai lầm khi nghĩ rằng ở đây có bán hàng tạp hóa. Tôi sẽ mua bánh kẹo, hoặc vài thứ lặt vặt khác cho chúng. Nhưng không thể, tiền ở đây, chả mua được cái gì. Chỉ có 1 ít thuốc cảm cúm & thuốc giun mà tôi đã mua từ HN, tặng cho mỗi nhà 1 ít, dặn dò chi tiết cách dùng.



Những gì tôi đã trải qua sau thời gian ngắn ngủi ở nơi này, gây nhiều cảm xúc khác thường, vui có - buồn có. Nhưng tôi thương nhất lũ nhỏ, cuộc sống vất vả & thiếu thốn quá mức! Cha mẹ chúng muốn lo cho chúng hơn cũng khó, phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, phần vì nơi đây quá hẻo lánh xa xôi, cách biệt bởi thế giới bên ngoài. Lo được gì hơn?? Ngoài 2 bữa cơm no mỗi ngày!! Tôi muốn ở lại chơi thêm 1 ngày nữa, cũng phần vì cơ thể đau nhức sau buổi đi bộ ngày hôm qua. Nhưng tôi còn vài việc cần phải làm đang chờ ở các bản bên ngoài nên đến hơn 12h trưa, chúng tôi tạm biệt bà con dân bản, quay về. Dự tính đi theo đường cũ về thì...mệt quá. A HỪ rủ tôi đi về theo đường suối, gần hơn được chút ít, nhưng mát mẻ hơn. Ừ, đi thôi.

Dù suối ngay giáp bản, nhưng vì nhiều thác lớn, không thể đi men theo suối. Chúng tôi vẫn phải đi theo đường tắt, leo qua vài đỉnh núi nữa, mất gần 2h đồng hồ chui rúc mới ra được bờ suối để về.



Ôi trời ơi, đi theo suối thì được cái mát mẻ, nhưng khó đi lắm, hết lội sang bờ bên này, rồi lại sang bờ bên kia. Nước ngập quá thắt lưng. Ướt như chuột lột.



Rất nhiều đoạn khó đi, thậm chí phải đu cây, leo lên vách đá để trèo. Đi theo đường suối mất khoảng hơn 4 tiếng, đấy là đi nhanh đấy. Tôi đi câu cá suối từ bé, nên kĩ thuật đi suối rất thành thạo. Chứ nếu không quen, chắc mất nửa ngày mới đi được. Bởi nhẽ suối toàn đá, mà trơn lắm, đi không cẩn thận, ngã què chân.



Tạm biệt, tôi sẽ trở lại, thật sớm trước khi mùa Đông buốt giá nơi miền biên ải này kéo đến.




CẬP NHẬT THÔNG TIN NGÀY 03/01/2015


Xin chân thành cảm ơn tất cả anh em bạn bè đã động viên, ủng hộ bằng cả tình cảm và hiện vật. 05 Bao quần áo cũ & mới cho trẻ nhỏ và các gia đình tại bản Clò 2 đã được chuẩn bị xong. Trong vòng vài ngày tới, tôi sẽ chuyển đến tận tay các cháu & bà con nơi đây. Xin cám ơn tất cả các anh chị em 1 lần nữa.




Phần 1 

Phần 3http://luongtran8.blogspot.com/2016/01/ky-su-ban-ngheo-noi-bien-gioi-phan-3.html

No Comments