thumbnail

MẬT RỪNG



Đông tàn. Xuân đến.

Trên dãy núi Nùng Nàng cao, dài và xanh đã nở đầy hoa dại. Lũ ong rừng vào mùa đông năm nào cũng dời tổ xuống thấp tránh rét, nay bắt đầu kéo đàn trở lại trên núi để xây tổ kiếm mật.



Nhìn những con ong thợ đi kiếm mật hoa, bay vèo vèo qua trước mặt, Thào Sinh bảo Sùng Cha:

- Ong rừng đã trở về làm tổ trên núi Nùng Nàng, mấy ngày nữa làm xong việc ruộng, việc nương, tôi sẽ lên núi kiếm mật, đem bán lấy tiền mua áo mới cho con.

Đã gieo xong nương, đã cấy xong ruộng. Thào Sinh bảo vợ:

- Ngày mai tôi lên núi kiếm mật ong, mình à!

Buổi sớm tinh mơ. Lác đác còn vài vì sao muộn cố neo lại giữa trời. Gà bản, gà rừng đua nhau gáy le te. Bầy chim núi hót véo von. Thào Sinh thức dậy thì Sùng Cha đã nổi lửa, đồ xong một chõmèn mén.

Thào Sinh khoác lên người chiếc áo chàm, mặc quần dài, xỏ chân vào đôi giày vải, chuẩn bị cho cuộc leo núi tìm mật ong.

Sùng Cha đưa gói mèn mén cho chồng.

- Đây là gói mèn mén để mình mang theo, lúc nào thấy bụng đói thì bỏ ra ăn.

Thào Sinh cười.

- Tôi vào rừng, sợ gì đói bụng. Như con khỉ sống trong rừng ấy, đói thì khác biết kiếm lấy quả rừng ăn.

Sùng Cha hỏi đùa:

- Thế mình là con khỉ à?

Thào Sinh cười to hơn.

- Không, tôi là người. Người khôn hơn con khỉ, thì lại càng không sợ bị đói.

Nói vậy thôi, Thào Sinh vẫn cầm lấy gói mèn mén và bỏ vào trong lù cở cùng với vỏ quả bầu khô đựng đầy nước.

Một mình Thào Sinh lên núi.

Đối với Thào Sinh, núi Nùng Nàng quen thuộc từ tấm bé. Trên khắp dãy núi này, chỗ nào có hòn đá to, hòn đá nhỏ Thào Sinh đều biết hết. Bàn chân Thào Sinh thoăn thoắt đạp trên lối mòn. Núi rất xanh và mây rất trắng. Gió núi lướt bên Thào Sinh thổi dạt mây sớm. Từng bậc dốc núi cứ xếp lên cao dần. Sương đọng lá rừng, chạm vào người Thào Sinh, mát lạnh.

Rồi Thào Sinh bỏ con đường mòn, tự rẽ lấy lối để tới chỗ một vách đá tai mèo. Thào Sinh biết, ong rừng thường chọn cách làm tổ trên các vách đá cao. Chẳng bao lâu sau, Thào Sinh đã phát hiện ra có những con ong đang bay thành vòng tròn. Chắc chắn có tổ ong ở gần đây. Thào Sinh đứng yên, mắt chăm chú dõi theo hướng ong bay. A, thấy rồi! Chúng làm tổ ngay chỗ vách đá kia. Khoảng cách từ mặt đất đến chỗ tổ ong cũng không cao lắm.

Thào Sinh hạ lù cở, giắt bật lửa và bùi nhùi khói vào người rồi thận trọng trèo lên vách đá. Lên đến chỗ tổ ong, Thào Sinh châm bùi nhùi khói rồi dùng nó để xua đàn ong. Đàn ong bay túa ra. Khi đàn ong không chịu được khói, đã bay tản ra gần hết thì Thào Sinh dùng dao cắt lấy cả bọng sáp chứa đầy mật, cho vào trong mảnh ni-lông, buộc túm lại rồi cẩn thận dòng thả xuống đất. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, Thào Sinh chỉ bị ong đốt mỗi một mũi vào tay.

Thào Sinh trèo xuống khỏi vách đá, cẩn thận xếp chỗ mật vừa lấy vào trong lù cở. Nghỉ ngơi được một lát, Thào Sinh địu lù cở lên lưng để đi tiếp kiếm thêm tổ ong khác.

Kia nữa rồi! Tổ ong lần này ở trên một vách đá cao hơn lúc trước. Thào Sinh lại giắt bật lửa, bùi nhùi khói vào người rồi trèo lên vách đá. Thào Sinh đánh bật lửa, châm bùi nhùi rồi lùa vào tổ ong. Bùi nhùi bỗng dưng bị tắt. Đàn ong bay lao ra, chúng đốt túi bụi vào mặt Thào Sinh. Thào Sinh giật mình, hai tay ôm mặt, người chới với mất thăng bằng. Và sau đấy, cả người Thào Sinh rơi lao xuống từ vách đá cao. Uỵch! Chỉ trong chớp mắt, Thào Sinh hôn mê bất tỉnh, máu chảy ra đất, gói mèn ménmang theo còn chưa kịp ăn.

Núi hoang lặng im.

Thào Sinh không về, Sùng Cha nhịn cơm tối, rồi thức cả đêm để đợi. Đêm dường như trôi rất chậm. Biết có chuyện chẳng lành, mới sáng ra, Sùng Cha đã tức tốc nhờ người cùng mình lên núi tìm chồng. Cả bản bỏ việc nhà để giúp Sùng Cha. Núi Nùng Nàng bỗng chốc rùng rùng trong cơn động.

Mọi người tìm thấy Thào Sinh nằm hôn mê dưới chân vách đá. Ngay bên cạnh đó, bọng mật ong và gói mèn mén để trong lù cở bị kiến bâu đầy. Lập tức, Thào Sinh được dân bản khiêng xuống bệnh viện để cứu. Số Thào Sinh chưa chết, ba ngày sau thì tỉnh lại, nửa tháng sau thì được ra viện.

Thoát chết, nhưng đầu óc Thào Sinh không còn được bình thường như trước nữa, mà trở nên điên dại, hai con mắt lúc thì đỏ ngầu, lúc thì sắc lạnh, nhìn thật hung tợn. Và thật tội cho Sùng Cha, cứ mỗi khi lên cơn điên nặng là Thào Sinh lại đánh Sùng Cha tàn nhẫn. Sùng Cha đau lắm, nhưng cố cắn răng chịu đựng, đau quá, buồn quá thì Sùng Cha lén ra bìa rừng ngồi khóc một mình, hai tay áo liên tục thay nhau chùi nước mắt.

Giàng Lử, người cùng bản, goá vợ đã nhiều năm, tìm cách gặp riêng và nói với Sùng Cha:

- Thằng Sinh đã bị điên, nó đánh Sùng Cha, làm khổ Sùng Cha, vậy Sùng Cha bỏ nó về làm vợ tôi đi!

Sùng Cha lắc đầu buồn bã.

- Thào Sinh là chồng Sùng Cha, trước đây luôn thương Sùng Cha. Nay nó chẳng may bị điên, Sùng Cha không thể bỏ được.

Giàng Lử lại nói:

- Nếu chịu làm vợ tôi thì tôi sẽ mua thật nhiều chỉ đẹp để Sùng Cha thêu váy áo mới, và tối nào tôi cũng lấy nước rửa chân cho Sùng Cha trước khi đi ngủ.

Sùng Cha lắng giọng, bảo:

- Cha còn phải nuôi con nhỏ.

Giàng Lử nắm tay Sùng Cha.

- Tôi sẽ cùng Sùng Cha nuôi chúng nó.

Sùng Cha bối rối rụt tay về.

- Đừng nói nữa Lử à! Cha không bỏ chồng đâu. Nếu bỏ chồng thì Cha không còn là người tốt nữa, Lử lấy làm gì.

Biết tình cảm Sùng Cha dành cho chồng không thay đổi, Giàng Lử đành ngậm ngùi tiếc, chẳng dám nói gì thêm nữa.

Ngày, tháng nặng nề trôi. Bệnh điên của Thào Sinh không hề đỡ đi mà còn tăng thêm. Có người bày cách cho Sùng Cha:

- Sùng Cha à, mày mổ gà con, cứ để còn cả máu tươi, đem giã thật nát rồi đắp lên đầu cho Thào Sinh vài lần sẽ khỏi.

Sùng Cha làm theo, lần lượt đắp lên đầu Thào Sinh mấy chục con gà con mà bệnh của Thào Sinh vẫn không thuyên giảm.

Lại có người mách:

- Mày mua lấy một con dê đem về mổ, lấy cái dạ dày của nó, rạch bỏ các thứ ở trong đi, rồi đem úp lên đầu chồng mày, biết đâu sẽ giúp nó khỏi bệnh.

Nhà chẳng còn tiền, Sùng Cha phải hỏi vay cha mẹ để mua dê. Họ đưa tiền cho Sùng Cha, và bảo:

- Tiền này cha mẹ cho mày, sau này không cần trả lại!

Sùng Cha cầm tiền đi mua dê. Đường núi xa, mua được rồi, Sùng Cha còn phải vừa đi vừa lôi, vừa đi vừa đẩy, mất hẳn nửa ngày trời mới dong được dê về đến nhà.

Con dê mổ xong, chiếc dạ dày được rạch ra, tuốt bỏ những thứ bên trong, và vẫn còn ướt nguyên dịch nội tạng được đem đội úp lên đầu Thào Sinh. Tưởng sẽ không sao, nào ngờ Thào Sinh bỗng vùng lên la hét, đầu đội dạ dày dê, cứ thế vụt bỏ chạy lên đồi. Người nhà phải vất vả đuổi theo, bắt Thào Sinh về, trói tạm vào cột, đợi đến khi Thào Sinh hết cơn la hét mới dám cởi dây trói…

Sùng Cha đã cố làm đủ mọi cách chữa bệnh cho chồng, nhưng đầu óc Thào Sinh vẫn u u mê mê, mỗi khi lên cơn điên lại tàn nhẫn đánh đập Sùng Cha. Có lần, Thào Sinh đánh khiến Sùng Cha gẫy mất một chiếc răng cửa. Chứng kiến cảnh đó, mẹ Sùng Cha ôm lấy con mà khóc.

- Sùng Cha ơi! Sao số mày khổ thế?

Cơ cực một mình nuôi con nhỏ, nuôi chồng điên, nên từng có lúc, Sùng Cha nghĩ đến chuyện bỏ Thào Sinh cho đỡ khổ. Nhưng rồi Sùng Cha không nỡ.

Hoa dại trên núi Nùng Nàng trải thêm hai mùa nở.

Thào Sinh vẫn điên.

Thỉnh thoảng, Giàng Lử vẫn đi qua nhà Sùng Cha và nhìn vào bằng đôi mắt đợi chờ. Sùng Cha vô tình bắt gặp nhưng tảng lờ như không biết.

Buồn quá, Sùng Cha ra hái lá bờ rào làm kèn thổi để nhớ lại Thào Sinh của những ngày biết thương Sùng Cha. Tiếng kèn lá của Sùng Cha nghe buồn như tiếng nước máng mùa đông chảy nhỏ rời từng giọt.

Nhưng lạ chưa! Tiếng kèn lá từ môi Sùng Cha vừa bật ra, Thào Sinh liền chạy đến đứng thật hiền ở bên cạnh để nghe. Thế rồi Sùng Cha nhận thấy, lần nào nghe thấy tiếng kèn lá, đôi mắt hung dữ của Thào Sinh cũng đều dịu lại. Sùng Cha nghĩ, có lẽ, cái đầu của Thào Sinh vẫn còn nhớ được tiếng kèn lá tâm tình ngày nào.

Sùng Cha ra bờ rào hái một chiếc lá mềm thử đưa cho Thào Sinh.

- Mình thổi lá cho tôi nghe đi!

Thào Sinh ngơ ngác nhìn chiếc lá. Sùng Cha giục thêm mấy lần nữa, Thào Sinh mới chịu cầm lấy và vụng về đưa chiếc lá lên môi, thổi. Chỉ có những tiếng "phù, phù" phát ra.

Sùng Cha thất vọng. Lòng Sùng Cha đau thắt lại. Thào Sinh điên lắm rồi, chẳng còn biết gì nữa. Còn nhớ, ngày Sùng Cha chưa làm vợ của Thào Sinh, cứ vào những đêm trăng là hai người lại hẹn gặp, rồi cùng ngồi bên nhau thổi kèn lá. Tiếng kèn lá của hai người trong đêm trăng leo lên những thửa ruộng bậc thang bên đồi, trèo lên những mảnh nương dốc nghiêng trên núi. Tiếng kèn lá của hai người nghe dìu dặt, ngọt như mật khiến con dế đang kêu bỗng nhiên bặt im vì xấu hổ, con dơi đang bay trong đêm quên bắt muỗi...

Nước mắt Sùng Cha ứa ra. Vậy mà giờ đây… Thào Sinh không còn biết thổi kèn lá nữa. Sùng Cha tuyệt vọng. Không lẽ, Trời bắt Thào Sinh phải sống mãi làm người điên.

Không, Sùng Cha tự nhủ, Thào Sinh không biết thổi kèn lá nữa thì Sùng Cha sẽ thổi cho Thào Sinh nghe.

Vậy là hằng đêm, Sùng Cha thổi kèn lá đến khản cả giọng với hy vọng giúp Thào Sinh ngủ ngon giấc hơn, bớt đi những cơn điên. Ai cũng bảo Sùng Cha làm vậy chỉ tốn công phí sức. Mặc mọi người nói, tâm Sùng Cha đã quyết, lòng Sùng Cha không nản. Đêm đêm, tiếng kèn lá vẫn vọng ra từ ngôi nhà nhỏ của Sùng Cha, cho dù càng về khuya tiếng kèn lá nghe càng hụt hơi mỏi mệt.

Thật không ngờ, tiếng kèn lá lại có thể giúp Thào Sinh dần dần tỉnh trí. Thêm một mùa hoa dại nữa nở khắp núi Nùng Nàng. Thào Sinh gần như đã khỏi hẳn bệnh điên. Cả bản mừng, nhưng mừng nhất vẫn là vợ con của Thào Sinh. Không chỉ vậy, nhà Thào Sinh còn có thêm chuyện vui khác nữa, con lợn nái của nhà Thào Sinh đẻ được một bầy lợn con đẹp mũm mĩm, gà nhà nuôi cũng nở liền cùng lúc hai ổ. Sùng Cha cười, lộ rõ hàm trên khuyết mất một chiếc răng cửa. Đã lâu lắm rồi, Sùng Cha mới cười tươi như vậy.

Nhận thấy Sùng Cha gãy mất chiếc răng cửa, Thào Sinh hỏi:

- Răng của mình làm sao bị gãy?

Sùng Cha đáp:

- Tại tôi lỡ vấp ngã, nên bị gãy mất răng. - Trả lời xong, Sùng Cha ngoảnh mặt nhìn sang nơi khác.

Đã bắt đầu vào mùa đốt bổi làm nương. Mây núi Nùng Nàng nhuốm thêm màu khói xám.

Con nhỏ đi học, một mình Sùng Cha cặm cụi lên nương. Thào Sinh cũng đòi lên nương theo. Sợ làm việc nặng, Thào Sinh sẽ phát lại bệnh điên nên Sùng Cha ngăn lại:

- Bây giờ mình chưa thể đi làm nương được đâu. Đợi cho cái đầu của mình thật khôn, cái người của mình thật khỏe như trước đã.

Thào Sinh đành nghe theo. Con đi học, vợ lên nương, Thào Sinh ở nhà một mình. Buồn rỗi chân tay, Thào Sinh đem thuốc lào ra ngồi hút vặt, chiếc điếu cày được đặt ngay trước mặt. Mỗi khi Thào Sinh rít thuốc lào, cục yết hầu trên cổ họng Thào Sinh cứ chạy dọc lên dọc xuống. Thào Sinh nhìn ra bên ngoài. Nắng chiều đổ dịu dần trên khoảng sân nhỏ trước nhà. Một con ong soi bay vo ve sát ngay bên cánh cửa. Thào Sinh ngẩn người ngắm con ong đang bay đi bay lại. "Nắng trời đẹp thế này, mật ong rừng vàng và thơm ngọt lắm đây, mình khỏe hẳn rồi sẽ lại tiếp tục lên núi kiếm mật đem bán lấy tiền làm lại cái răng gãy cho Sùng Cha"…

Thào Sinh vê thêm một mồi thuốc lào nạp vào nõ điếu. Nạp xong, Thào Sinh chưa kịp đưa điếu cày lên miệng thì chợt có tiếng kèn lá từ xa vọng lại. Thào Sinh nghiêng tai nghe cho rõ. Ti tù tí… ti tù… tù ti… ti tù… Đúng là tiếng kèn lá quen thuộc của Sùng Cha rồi. Thào Sinh buông vội điếu cày, lập cập chạy ra tận ngoài đường đón vợ. Sùng Cha đi nương về, lưng đeo lù cở, sải bước nhịp nhàng, gấu váy thêu uốn lượn quanh hai bắp chân săn chắc, ráng hoàng hôn nhuộm hồng khuôn mặt. Đậu trên môi Sùng Cha, chiếc kèn lá rót những tiếng ngọt như mật vào buổi chiều tà.

No Comments